Mùa Chay năm nay đặc biệt hơn những năm trước vì tại nhiều Giáo phận của Việt Nam các Giám mục đã mời gọi tín hữu ăn chay trước dịp lễ Thứ tư Lễ Tro. Ăn chay để tỏ lòng sám hối và cầu nguyện cho những bệnh nhân của virus Corona. Trong lúc cả thế giới đang hướng về Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung với sự lo lắng và bồn chồn, thì nhiều người Công Giáo đã không khỏi xúc động khi được nghe một bản thánh ca thống hối được cất lên trong các thánh đường Công Giáo.

 

Cứ sau dịp mỗi tết Nguyên Đán là người Công Giáo lại chuẩn bị cho Mùa Chay, mùa dọn tâm hồn để tưởng niệm mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Giê-su. Mùa Chay còn được gọi là Mùa Chay Thánh vì đây là thời gian mà các Kitô hữu được mời gọi để chuẩn bị tâm hồn ngang qua việc ăn chay, cầu nguyện, bố thí và đặc biệt là hoán cải tâm hồn của mình.

Có lẽ, Mùa Chay năm nay đặc biệt hơn những năm trước vì tại nhiều Giáo phận của Việt Nam các Giám mục đã mời gọi tín hữu ăn chay trước dịp lễ Thứ tư Lễ Tro. Ăn chay để tỏ lòng sám hối và cầu nguyện cho những bệnh nhân của virus corona. Trong lúc cả thế giới đang hướng về Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung với sự lo lắng và bồn chồn, thì nhiều người Công Giáo đã không khỏi xúc động khi được nghe một bản thánh ca thống hối được cất lên trong các thánh đường Công Giáo. Khi một cộng đoàn cử hành phụng vụ thống hối cộng đoàn, họ ý thức rằng họ là một cộng đoàn nhỏ bé giữa một thế giới rộng lớn. Thế nhưng có lẽ mỗi tín hữu trong cộng đoàn ấy tin rằng, lời cầu nguyện của họ đại diện cho cả dân tộc, cho thế giới, đó là lời sám hối và ăn năn vì những bất toàn và tội lỗi của toàn thể nhân loại và cho chính lỗi lầm của họ.

Qua việc ăn chay, qua lời ca tiếng hát, qua kinh nguyện, chúng ta thấy người Kitô giáo thực hành việc sám hối cộng đoàn. Tại sao phải sám hối cộng đoàn? Chẳng phải tội là tội cá nhân và sám hối phải là sám hối cá nhân sao? Cụ thể, khi đi xưng tội, mỗi cá nhân phải thú tội với Chúa ngang qua cha giải tội. Vậy đâu là ý nghĩa của việc sám hối cộng đoàn?

Sám hối cộng đoàn dựa trên thần học về chiều kích xã hội của tội hay còn gọi là tội xã hội, một khái niệm thần học được phát triển trong thế kỷ 20. Trong Tông Huấn Reconciliatio Et Paenitentia (Hòa Giải và Sám Hối, 1984), thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã định nghĩa tội xã hội theo ba nghĩa. Trước hết, “nói tới ‘tội xã hội’ là nhìn nhận rằng, vì tình liên đới nhân loại là một điều gì đó vừa huyền nhiệm và khó tả vừa thực tế và cụ thể, tội của mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng cách nào đó đến những người khác.”[1] Theo ý nghĩa này, nếu mỗi linh hồn thánh thiện “nâng” cả thế giới lên thế nào, thì một linh hồn “suy thoái” cũng kéo theo cả Giáo hội và toàn thể thế giới rơi vào thung lũng của tội thế ấy.

Thứ hai, gọi tội xã hội là vì cái tội ấy chống lại hay trực tiếp tấn công vào đồng loại của mình. Đây là những tội đi ngược lại với công bình xã hội hay công bình giữa người với người. Giữa các tội này, Đức Gioan Phaolo II nhấn một cách đặc biệt đến các tội như phá thai, an tử, v.v. Bởi lẽ các tội này chống lại quyền của con người, đặc biệt là quyền được sinh ra và quyền được sống của mỗi người.

Nghĩa thứ ba của “tội xã hội” ám chỉ các mối quan hệ giữa các cộng đồng nhân loại khác nhau. Ở đây ngài muốn nói đến các cơ cấu xã hội bất công đi ngược lại với sự công bình của Thiên Chúa. Sự bất công của các tổ chức xã hội và chính trị có thể tạo ra nghèo đói, bất công, chiến tranh, v.v… đi ngược lại với phẩm giá con người.

Khi Giáo hội nói về những tình trạng tội lỗi hay khi Giáo hội lên án tội nào đó như là một tội xã hội thì Giáo hội ý thức rằng, tội xã hội là kết quả tích luỹ của nhiều tội cá nhân. Bởi xét cho cùng, những cơ cấu hay tổ chức bất công sở dĩ tồn tại được là do sự góp tay trực tiếp của từng con người cụ thể, khi họ đang tìm kiếm lợi ích riêng cho cá nhân mình. Hoặc gián tiếp là khi mỗi người quên mất trách nhiệm bài trừ và giới hạn sự dữ trong xã hội, bởi sự lười biếng, sợ hãi, thờ ơ lãnh đạm, hay im lặng “dĩ hòa vi quý”.  

Thần học về tội xã hội có thể được khắc hoạ một cách rõ nét qua đại dịch virus corona đang hoành hành trên thế giới trong những ngày qua. Rõ ràng, đại dịch dưới cái nhìn thần học có thể được xem là một tội xã hội hay tội cấu trúc. Sự xuất hiện của “vị khách không mời” này gắn liền với sự dữ luân lý của một cá nhân, một tổ chức, hay một quốc gia. Tuy nhiên, hậu quả của nó không chỉ dừng lại ở bình diện một thành phố hay một quốc gia nữa. Như một tội xã hội, sự dữ của biến cố này gắn liền với sự lơ là hay thiếu trách nhiệm của một số người có trách nhiệm, sự thiếu minh bạch hay phản ứng chậm chạp mang tính cơ cấu tổ chức. Như virus, hậu quả của tội đã tiêm nhiễm, lây lan và gieo rắc đau thương cho biết bao nhiêu người trên thế giới. Cũng như tội gây ra sự chia rẽ và mất bình an thế nào, thì virus corona cũng gây chia rẽ, hoang mang, mất bình an thế ấy. Cuối cùng, điều khiến người ta hoang mang và lo lắng nhất là virus corona có thể tước đi mạng sống của con người. Cái chết thể lý đã đáng sợ, cái chết trong tâm hồn còn đáng sợ hơn bội phần. Giống như tội, đại dịch corona không chỉ gây ra cái chết thể lý, điều đáng sợ hơn là đại dịch ấy còn gây ra những cái chết trong tâm hồn: đó là sự ích kỷ, mất bình an, mất niềm tin vào nhau, mất đức tin vào Thiên Chúa.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta không còn hy vọng. Thực ra, trong cơn hoạn nạn như thế, chúng ta nhận ra chúng ta cần Thiên Chúa và xác tín rằng Thiên Chúa sẽ cứu giúp chúng ta. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần hoán cải với tư cách cá nhân cũng như cộng đoàn. Thần học về tội xã hội của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho chúng ta thấy rằng, nhiều khi chính chúng ta, vì vô tình hay cố ý, trực tiếp hay gián tiếp, tham dự vào sự bất công trong xã hội. Tội của chúng ta không chỉ gây hại cho chính mình mà còn làm tổn thương người khác. Ý thức điều đó, trước mặt Chúa, chúng ta được mời gọi để hoán cải, không chỉ với tư cách cá nhân, mà còn với tư cách là cộng đoàn. Trong truyền thống Công giáo, đặc biệt là qua Thánh Kinh, chúng ta thấy rằng sám hối cộng đoàn là một cử hành phụng vụ rất đẹp và rất ý nghĩa đặc biệt là trong những thời gian đặc biệt nào đó.

Hoán cải ở đây trước hết là thay đổi cái nhìn, đặc biệt là cái nhìn về tội và hậu quả của tội. Tội không chỉ mang tính cách cá nhân mà nó còn mang chiều kích xã hội. Tội lỗi của chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn gây hại cho tha nhân. Là Kitô hữu, trước những vấn nạn của thế giới, chúng ta cũng phần nào chịu trách nhiệm vì những sự dữ luân lý diễn ra trong xã hội và thế giới. Chúng ta chịu trách nhiệm phần nào khi chúng ta thờ ơ lãnh đạm trước cái ác, khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ và nghĩ: “Phận ai nấy lo!” Chúng ta tự hỏi mình, trái tim của chúng ta có rung động khi biết bao nhiêu người phải đau khổ với đại dịch này không? Chúng ta có nhắm mắt làm ngơ khi gặp một điều bất công trong đời sống thường ngày của chúng ta không?

Trái ngược với thái độ thờ ơ và dửng dưng là sự liên đới, người Việt nam chúng ta có câu: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Câu tục ngữ này nói lên tình liên đới như là một đức tính đáng quý trong truyền thống Việt Nam. Đáng tiếc tinh thần ấy đang dần bị lãng quên khi con người chỉ biết lo lắng cho bản thân mình.

Vì vậy, chúng ta cũng cần sám hối vì những thiếu sót của riêng mình. Trong kinh nguyện sám hối trước thánh lễ, chúng ta không chỉ sám hối về những điều chúng ta lỗi phạm nhưng còn sám hối vì những điều chúng ta thiếu sót. Do đó, ý thức về sự thờ ơ hay lãnh đạm của chúng ta trước bất công và đau khổ của người khác, chúng ta cần đấm ngực và tự hỏi mình: Chúng ta đã hành động như thế nào khi đối diện với những bất công trong xã hội? Trái tim của chúng ta có rung động trước những mảnh đời bất hạnh mà chúng ta vẫn gặp hàng ngày không? Khi đối diện với những phận đời bất hạnh, chúng ta có sẵn giúp đỡ hay chúng ta nhắm mắt làm ngơ vì nghĩ rằng: “Sức tôi có hạn, hay điều tôi làm chỉ như muối đổ biển thôi!”?

Như cộng đoàn Do Thái khi xưa, tin tưởng vào một Thiên Chúa “chậm giận và giàu lòng xót thương” (Tv, 103, 8), chúng ta tin rằng, Thiên Chúa sẽ sửa lại những thiệt hại do tội lỗi con người chúng ta gây nên. Quả thực, ơn cứu độ của Chúa phục sinh không chỉ chữa lành vết thương nơi tâm hồn tội lỗi chúng ta, ơn cứu độ ấy còn có sức biến đổi thế giới, biến đổi cấu trúc bất công trong xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Thiên Chúa cần chúng ta hợp tác. Vì như Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến ta. Nhưng khi cứu độ ta, Ngài cần chúng ta cộng tác”.  Với tư cách là một cộng đoàn dân Chúa, tất cả chúng ta được mời gọi để cùng nhau hoán cải, đấm ngực mình vì biết rằng, đã bao lần, cố ý hay vô tình, sự vô tâm hay thờ ơ của chúng ta đã góp phần tạo nên sự dữ trong thế giới này.

[1] Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Reconciliatio Et Paenitentia [Hòa Giải Và Sám Hối] (1984), số 16.

Minh Triệu, SJ – CTV Vatican News