Dưới đây là một nghi thức để cử hành sự tôn sùng của gia đình bạn đối với Kinh thánh.(*) Một lựa chọn để sống ngày Chúa Nhật là cử hành nghi thức tôn sùng Lời Chúa, một nghi thức do Hội đồng Giáo Hoàng về Thúc đẩy Tân Phúc âm hóa cung cấp.

 

 

Sau Thượng Hội Đồng về Lời Chúa, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Verbum Domini – Lời Chúa đã được xuất bản, và trong đó chúng ta có thể đọc thấy:

“Từ Mầu nhiệm hôn ước lớn lao, phát sinh trách nhiệm cốt yếu của các cha mẹ đối với con cái. Quả thật, sống trung thực tư cách cha mẹ chính là truyền đạt và làm chứng về ý nghĩa của đời sống trong Đức Kitô: qua lòng chung thủy của họ và sự hiệp nhất của đời sống gia đình, vợ chồng là những người đầu tiên công bố Lời Thiên Chúa cho con cái. Cộng đồng Giáo Hội phải nâng đỡ và giúp đỡ họ phát huy việc cầu nguyện trong gia đình, chăm chú lắng nghe Lời Thiên Chúa và hiểu biết Kinh Thánh. Nhằm mục đích này, Thượng Hội Đồng mong ước rằng mỗi một mái ấm gia đình phải có sách Kinh Thánh của mình, Sách phải được đặt ở nơi xứng hợp và được dùng để đọc và cầu nguyện. Các linh mục, các phó tế hay các tín hữu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng có thể cung cấp mọi trợ giúp cần thiết. Thượng Hội Đồng cũng đã khuyến cáo là phải tạo lập những cộng đoàn gồm những gia đình, tại đó các tín hữu cùng nhau thực hành việc cầu nguyện và suy niệm chung những đoạn Kinh Thánh được chọn. Ngoài ra, vợ chồng phải nhắc nhở nhau rằng “Lời Thiên Chúa cũng là một sự nâng đỡ quí báu giữa các khó khăn của cuộc sống lứa đôi và gia đình” (Tông Huấn Verbum Domini (Lời Chúa) Của ĐGH Bênêđictô XVI – ngày 30-11-2010, phần e, Lời Chúa, hôn nhân và gia đình, số 85).

Trong ngày Chúa nhật, cả gia đình quây quần bên bàn ăn chính của nhà mình, nơi đặt cây thánh giá, tượng Đức Mẹ, cây nến và cuốn Kinh thánh.

Một trong những thành viên trong gia đình thắp nến và đọc:

 Ánh sáng Chúa Kitô

Tất cả đều trả lời:

– Tạ ơn Chúa

Sau đó, một người khác (bản văn cũng có thể được chia cho nhiều người) đọc lời cầu nguyện sau:

“Xin Chúa Thánh Thần ngự đến trong con, trong trái tim con và trong tâm trí con.

Xin hãy tuôn đổ sự sáng suốt của Chúa trên trí tuệ của con, để con có thể biết Cha khi suy gẫm lời Tin Mừng.

Xin ban cho con tình yêu của Chúa, để ngay cả ngày hôm nay, được thúc giục bởi lời Chúa, con có thể tìm thấy Chúa trong những hoàn cảnh và những người con gặp.

Xin ban cho con sự khôn ngoan, để con biết cách sống và đánh giá những gì con đã trải qua hôm nay.

Xin ban cho con sự kiên trì, để con có thể kiên nhẫn thấm nhập sứ điệp của Chúa trong Tin Mừng”. (Thánh Tôma Aquinô)

Tất cả đều trả lời:

– Amen.

Một thành viên trong gia đình lấy Kinh Thánh, mở ra và bắt đầu đọc phân đoạn sau: Mátthêu 13: 1-9. “Dụ ngôn về người gieo giống”

Hãy lắng nghe lời Chúa từ Tin Mừng theo thánh Matthêu:

“Hôm ấy, Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Ngài rất đông, nên Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Ngài dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Ngài nói: “Này, người gieo giống đi ra gieo lúa. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe”. (Các trình thuật tương ứng “Dụ ngôn người gieo giống”: Mc 4:3-9; Lc 8:5-8)

Tất cả các thành viên trong gia đình đều hôn sách Thánh.

Một khoảnh khắc im lặng sau đó, để suy ngẫm về văn bản vừa nghe và cầu nguyện riêng cá nhân. Sau đó, một người đọc suy niệm sau (Lưu ý của người biên tập: đối với các gia đình có trẻ nhỏ, chỉ chọn văn bản in đậm):

Chúa Giêsu kể cho đám đông nghe dụ ngôn – mà chúng ta đều biết rõ – về người gieo giống, người gieo hạt giống trên bốn loại địa hình khác nhau. Lời Thiên Chúa, được tượng trưng bằng hạt giống, không phải là một Lời trừu tượng, mà là chính Đức Kitô, Lời của Chúa Cha, Đấng đã trở nên xác thịt trong lòng Mẹ Maria. Do đó, nắm lấy Lời của Đức Chúa Trời, có nghĩa là nắm lấy nhân tính của Chúa Kitô; của chính Chúa Kitô.

Có một số cách khác nhau để tiếp nhận Lời Chúa. Chúng ta có thể làm như vậy giống như một con đường, nơi các loài chim ngay lập tức đến và ăn hạt. Đây sẽ là sự phân tâm, một mối nguy hiểm lớn của thời đại chúng ta. Ngoài những cuộc nói chuyện nho nhỏ, chúng ta có thể đánh mất niềm say mê thinh lặng, suy tư, đối thoại với Chúa, bởi nhiều ý thức hệ, bởi những cơ hội liên tục gây phân tâm trong và ngoài nhà, đến mức chúng ta có nguy cơ đánh mất đức tin của mình, không thể tiếp nhận Lời Chúa, như chúng ta đang thấy mọi sự, bị phân tâm bởi mọi thứ, bởi những điều trần tục.

Một khả năng khác: chúng ta có thể tiếp nhận Lời Chúa như đất đá, ít đất. Ở đó, hạt nảy mầm nhanh chóng, nhưng cũng nhanh chóng khô héo, vì chúng không thể

cắm rễ xuống sâu được. Đây là hình ảnh của những người đón nhận Lời Chúa với lòng nhiệt thành nhất thời, tuy nhiên, vẫn còn hời hợt; họ không đồng hóa Lời Chúa. Theo cách này, ngay từ khó khăn đầu tiên, chẳng hạn như sự khó chịu hoặc xáo trộn trong cuộc sống, niềm tin còn non nớt ấy sẽ tan biến, như hạt giống rơi giữa các tảng đá khô héo.

Chúng ta cũng có thể – một khả năng thứ ba mà Chúa Giêsu đề cập trong dụ ngôn – đón nhận Lời Thiên Chúa giống như mặt đất nơi bụi gai mọc lên. Và những cái gai là sự lừa dối của sự giàu có, của sự thành công, của những mối quan tâm của thế gian … Ở đó, Ngôi Lời lớn lên một chút, nhưng trở nên nghẹt thở, không mạnh mẽ, và chết đi hoặc không sinh hoa kết trái.

Cuối cùng – khả năng thứ tư – chúng ta có thể nhận được nó như đất tốt. Ở đây, và chỉ ở đây, hạt giống đâm rễ và kết trái. Hạt giống rơi trên mảnh đất màu mỡ này tượng trưng cho những ai nghe Lời Chúa, đón nhận Lời Chúa, giữ gìn trong lòng và đem ra thực hành trong cuộc sống hàng ngày.

Dụ ngôn Người gieo giống này phần nào là ‘mẹ’ của tất cả các dụ ngôn, vì nó nói về việc lắng nghe Lời Chúa. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Lời Chúa là một hạt giống tự nó sinh hoa kết trái và hữu hiệu; và Thiên Chúa phân tán nó khắp nơi, không để tâm đến chuyện gieo vãi lãng phí. Trái tim của Thiên Chúa là như vậy! Mỗi người chúng ta đều có loại đất mà hạt giống Lời Chúa  rơi xuống; không ai bị loại trừ! Lời Chúa được trao ban cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi mình: tôi đang là loại đất nào?

Tôi có giống với con đường, mặt đất đá, bụi rậm không? Nếu chúng ta muốn, với ân sủng của Thiên  Chúa, chúng ta có thể trở thành đất tốt, được cày xới và chăm bón cẩn thận, để giúp cho hạt giống Lời Chúa chín mùi. Lời Chúa đã hiện diện trong trái tim của chúng ta, nhưng làm cho nó có kết quả là tùy thuộc vào chúng ta; điều đó phụ thuộc vào vòng tay mà chúng ta dành cho hạt giống này.

Thường thì người ta bị phân tâm bởi quá nhiều quyền lợi, quá nhiều lời dụ dỗ, và khó có thể phân biệt được đâu là tiếng nói và nhiều lời nói của Chúa, Đấng duy nhất khiến chúng ta được tự do. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải quen với việc lắng nghe Lời Chúa và đọc Lời Chúa.

Và chúng ta hãy trở lại với lời khuyên này: hãy luôn giữ một bản Tin Mừng sẵn có bên mình, một ấn bản Tin Mừng loại bỏ túi, để trong túi, trong ví của bạn… và sau đó, hãy đọc một đoạn ngắn mỗi ngày, để bạn trở nên quen với việc đọc Lời Chúa, hiểu rõ hạt giống Chúa ban cho bạn, và suy nghĩ xem mình sẽ nhận được hạt giống nào.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, là loại đất tốt và màu mỡ mẫu mực và hoàn hảo, với lời cầu nguyện của Mẹ, giúp chúng ta trở nên đất tốt không có gai góc hay đá sòi, để chúng ta có thể sinh hoa kết trái tốt lành cho chính mình và cho anh chị em của chúng ta. (Đức Giáo Hoàng Francis, buổi đọc Kinh Truyền Tin, ngày 12 tháng 7 năm 2020).

Sau khi suy niệm, mọi người cùng nhau đọc kinh Lạy Cha:

– Lạy Cha chúng con…

Cuối lời kinh, người được đốt nến lúc ban đầu cầm lấy cuốn Kinh thánh, và làm dấu thánh giá với cuốn Kinh thánh ban phúc lành cho cả gia đình.

Sau đó thổi tắt ngọn nến và nói:

– Xin hãy ở lại với chúng con, lạy Chúa, bây giờ và mãi mãi. Amen.

(*) Đây là một bài dịch mang tính cá nhân, không phải là bản chính thức của Ủy ban Phụng tự / HĐGMVN 

Tác giả: Hội đồng Giáo Hoàng về Thúc đẩy Tân Phúc âm hóa
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org(19.1.2021)

Nguồn: WHĐ