22/11/2024

Đức Tổng Giám mục Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh khẳng định: Từ năm 1919, Giáo hội Công giáo đã có một niềm tin vững chắc rằng nguyên tắc tình huynh đệ không thể bị chà đạp và đã lên án mọi hình thức bài Do Thái.

 

 

Trong một video quảng bá cho chiến dịch truyền thông StopAntiSemitism, do đại sứ quán Israel cạnh Tòa Thánh thực hiện, trong khuôn khổ kỷ niệm 55 năm “Tuyên ngôn Nostra Aetate”, Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội Công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Đức Tổng Giám mục Gallagher khẳng định rằng, trong những năm gần đây nhiều tiến bộ đã được thực hiện giữa Tòa Thánh và Israel: sự hiểu biết lẫn nhau đã đưa đến một sự thấu hiểu tốt hơn, không chỉ trên bình diện thần học, nhưng còn về khía cạnh xã hội và chính trị. Điều này được thể hiện rõ ở việc Hiệp định song phương giữa Tòa Thánh và Israel đã được thiết lập.

Trích dẫn Tuyên ngôn Nostra Aetate, Ngoại trưởng Tòa Thánh nhận xét rằng, quan hệ giữa Tòa Thánh và dân tộc Israel là một quá trình lịch sử hòa giải và hiểu biết lẫn nhau, là kết quả của đối thoại. Nhưng theo Đức Tổng Giám mục cuộc đối thoại này phải được cởi mở và tôn trọng để có thể mang lại hiệu quả. Tôn trọng quyền sống và sự toàn vẹn về thể chất của người khác, các quyền về tự do cơ bản, cho phép chúng ta cùng nhau xây dựng một bầu khí hòa bình của tình huynh đệ, điều đã được Đức Thánh Cha nhắc lại nhiều lần trong thông điệp Fratelli tutti.

Đức Tổng Giám mục khẳng định: “Một khía cạnh quan trọng khác có trong Tuyên ngôn Nostra Aetate là sự lên án chủ nghĩa bài Do Thái dưới mọi hình thức. Vì vậy, việc tái khám phá nguồn gốc Do Thái của Kitô giáo và việc lên án chủ nghĩa bài Do Thái không xuất hiện trong Giáo hội Công giáo một cách tình cờ nhưng là kết quả của những thái độ trưởng thành đã có trước đó”.

Để chứng minh điều này, Ngoại trưởng Tòa Thánh đã trích dẫn “một viên ngọc trai nhỏ” được tìm thấy trong văn khố lịch sử Tòa Thánh: Một văn thư trao đổi trong năm 1919 giữa Hội đồng Rabbi Askenaziti của Giêrusalem và Tòa Thánh. Trong tài liệu này, Hội đồng Rabbi đã gửi đến Đức Giáo hoàng Biển Đức XV yêu cầu sử dụng tất cả ảnh hưởng và sức mạnh tinh thần của Đức Giáo hoàng để chấm dứt các hành vi bất khoan dung và các hình thức chống Do Thái. Thực tế, lúc bấy giờ tại Đông Âu, các cộng đoàn Do Thái bị chống đối. Và trong thư trả lời, được ký bởi Đức Hồng y Pietro Gasparri, Ngoại trưởng Tòa Thánh thời đó, có đoạn viết: “Giáo hội, hoạt động bởi các nguyên tắc bác ái Tin Mừng hướng đến tất cả mọi người, đặc biệt những người con của dân tộc Israel, chống lại mọi hành vi thù hận đối với những anh chị em khác. Giáo hội coi mọi người là anh chị em và dạy họ yêu thương nhau. Điều này cũng phải được áp dụng cho người Do Thái”.

Theo Ngoại trưởng Tòa Thánh, từ năm 1919, niềm tin chắc chắn về nguyên tắc tình huynh đệ, để không bị chủ nghĩa bài Do Thái lấn áp và mọi người có thể hy vọng quyền tôn giáo được tôn trọng.

Ngọc Yến – Vatican News