Bệnh tật và tính dễ bị tổn thương là điều đáng sợ vì nó là mối đe dọa đối với văn hóa hiệu suất, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết hôm thứ Ba trong Sứ điệp được công bố trước Ngày Thế giới Bệnh nhân.
“Chúng ta hiếm khi chuẩn bị cho bệnh tật. Thông thường, chúng ta thậm chí không thừa nhận rằng chúng ta đang già đi”, Đức Thánh Cha nói vào ngày 10 tháng 1. “Tính dễ bị tổn thương của chúng ta khiến chúng ta sợ hãi và văn hóa hiệu suất lan tràn thúc đẩy chúng ta giấu nó đi, không chừa chỗ cho sự yếu đuối của con người chúng ta”.
“Tất cả chúng ta đều mong manh và dễ bị tổn thương, và cần lòng trắc ẩn biết cách dừng lại, tiếp cận, chữa lành và nâng đỡ. Vì vậy, hoàn cảnh của những người đau yếu bệnh tật là một lời mời gọi cắt ngang sự thờ ơ và làm chậm bước chân của những người bước qua như thể họ không có anh chị em”, Đức Thánh Cha nói.
Giáo hội Công giáo sẽ cử hành Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 31 hàng năm vào ngày 11 tháng 2, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức ở tây nam nước Pháp gắn liền với các bệnh nhân vì sự hiện diện của một nguồn suối kỳ diệu mà từ đó nhiều người đã được chữa lành về thể chất.
Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân của Đức Thánh Cha năm nay có tựa đề: “Hãy săn sóc người này. Lòng cảm thương cùng nhau chữa lành”.
“Không chỉ những gì hoạt động tốt hay những người làm việc hiệu quả mới quan trọng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Thật vậy, những người bệnh tật là trung tâm của dân Chúa, và Giáo hội cùng với họ thăng tiến như một dấu chỉ của một nhân loại trong đó tất cả mọi người đều quý giá và không ai bị loại bỏ hoặc bỏ lại phía sau”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng điều quan trọng là toàn thể Giáo hội phải cố gắng noi gương Người Samaritanô nhân hậu.
Cũng giống như người Samaritanô nhân hậu yêu cầu chủ quán trọ chăm sóc người đàn ông bị thương, “Chúa Giêsu cũng gửi lời kêu gọi tương tự như thế đối với mỗi người chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Như tôi đã lưu ý trong Fratelli Tutti, ‘Dụ ngôn chỉ cho chúng ta thấy cách thức xây dựng lại cộng đồng, khởi đi từ những con người biết đồng cảm với những sự yếu nhược của người khác, không chấp nhận một xã hội loại trừ, nhưng vì thiện ích chung, sẵn sàng đến bên, nâng dậy và phục hồi người quỵ ngã (số 67)”, Đức Thánh Cha nói.
“Thật vậy”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “chúng ta được dựng nên để sống sung mãn, là điều chỉ đạt được trong tình yêu. Dửng dưng trước đau khổ của người khác không thể là một chọn lựa (số 68)”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý rằng bệnh tật và yếu đuối là một phần trong cuộc hành trình của con người; do đó, việc cùng nhau bước đi trong cộng đồng với những người đau khổ có thể là một hành động của tinh thần hiệp hành.
“Tôi mời gọi tất cả chúng ta suy tư về thực tế rằng chính nhờ kinh nghiệm về tính dễ bị tổn thương và bệnh tật mà chúng ta có thể học cách cùng nhau bước đi theo phong cách của Thiên Chúa, đó là sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến vai trò của sự bất công trong việc không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ, điều mà nhiều người đã trải qua.
Đại dịch COVID-19, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đã cho thấy những giới hạn của các hệ thống phúc lợi công cộng hiện có.
“Không còn dễ dàng để phân biệt những sự tấn công nhắm vào sự sống và phẩm giá con người phát sinh từ các nguyên nhân tự nhiên với những sự tấn công do bất công và bạo lực gây ra”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.
“Trên thực tế”, Đức Thánh Cha tiếp tục, “mức độ bất bình đẳng ngày càng gia tăng và lợi ích phổ biến của một số ít hiện đang ảnh hưởng đến mọi môi trường của con người đến mức khó có thể coi bất kỳ trải nghiệm nào là do nguyên nhân ‘tự nhiên’ duy nhất. Tất cả đau khổ diễn ra trong bối cảnh của một ‘nền văn hóa’ và những mâu thuẫn khác nhau của nó”.
“Vì vậy, lòng biết ơn cần phải được kết hợp bằng cách tích cực tìm kiếm, ở mọi quốc gia, các chiến lược và nguồn lực để đảm bảo quyền cơ bản của mỗi người trong việc được chăm sóc sức khỏe cơ bản và tử tế”, Đức Thánh Cha nói.
Minh Tuệ (theo CNA)
Nguồn: dcctvn.org