“Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna” (11, 29b)
14/10/2019 – Thứ Hai Tuần 28 TN
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Lời Chúa:
Thư Rm 1,1-7
Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su ; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít. 4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng. Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô. Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
Tin Mừng Lc 11, 29-32
Khi đám đông tụ họp đông đảo, Ðức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômon nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nivivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa.”
Suy niệm
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tập trung vào sức mạnh của việc rao giảng Tin Mừng. Lời Chúa được rao giảng chất chứa dồi dào ơn cứu độ; chúng ta phải sẵn sàng tiếp nhận và lắng nghe Lời ấy. Lắng nghe là Tin Mừng, nó nhắc nhớ lời mời gọi của câu Thánh Vịnh: “Ôi, chớ gì hôm nay anh em hãy nghe tiếng Người: đừng cứng lòng nữa” (Tv 95:8).
Trong bài đọc I, Thánh Phaolô tự giới thiệu mình và việc tông đồ của mình cho các tín hữu Rôma, một cộng đoàn không phải do ngài thành lập, nhưng ngài rất yêu thương và ngài muốn xin họ trợ giúp ngài tiến hành dự án rao giảng Tin Mừng cho Tây Ban Nha. Để làm cho mình được người dân ở đó biết nhiều hơn và tạo lập một sự hiểu biết thiêng liêng tốt đẹp với cộng đoàn này mà ngài chưa từng đích thân gặp gỡ, thánh Tông Đồ bắt đầu kể về sứ vụ và ơn gọi của mình. Việc phục vụ của Ngài cho Đức Kitô và việc tông đồ của ngài với dân ngoại được đặt nền trong mầu nhiệm kỳ diệu của ơn tuyển chọn mà nhờ đó Đức Kitô Giêsu cắt cử ngài đi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Việc phục vụ của thánh Phaolô được đặt nền trên Lời Chúa Kitô, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa Kitô, và thông truyền Lời Chúa Kitô. Cuộc đời ngài lấy Đức Kitô làm trung tâm. Các dòng chữ đầu của lá thư mô tả sức năng động của ơn cứu độ của Thiên Chúa, chuyển từ tính chất cá biệt sang tính chất phổ quát: trong Đức Kitô, ơn cứu độ không còn là đặc ân dành riêng cho một hạng người nào, nhưng được dành cho mọi người, cả những người ở xa.
Bài đọc Tin Mừng nói với chúng ta về những người xa lạ và mối quan hệ của họ với Thiên Chúa. Thầy được vây quanh bởi đám đông xô đẩy Người, và Người tố giác thái độ xấu xí làm hạ giá kinh nghiệm đức tin: sự say mê tìm kiếm những dấu lạ. Thề hệ mà Đức Giêsu đang nói với là thế hệ “gian ác” (Lc 11:29) vì nó liên tục đòi những dấu lạ bề ngoài, như thể muốn nhốt chặt Thiên Chúa và ý muốn cứu độ của Người vào trong những khuôn khổ chật hẹp của một mối tương quan ma thuật, tự động, dựa theo tương quan nhân quả, được điều chỉnh và kiểm soát bởi quyền lực của con người.
Đức Giêsu không muốn cho họ một dấu lạ, ngoại trừ dấu lạ ông Giôna. Sách Giôna nằm trong Cựu Ước giữa các sách tiên tri và các sách khôn ngoan. Sách Giôna kể về một ngôn sứ được Thiên Chúa sai đi rao giảng bên ngoài đất Ítraen, ở thành Ninivê, thủ đô của Assyria, là những kẻ thù truyền kiếp của giao ước: những kẻ xa lạ thực sự theo mọi nghĩa của nó và là những kẻ “ở xa” tột cùng. Sứ mạng không được mong đợi này dạy cho ông Giôna về ý muốn cháy bỏng của Thiên Chúa muốn kêu gọi những người ở xa, loan báo sự tha thứ của Người cho những kẻ không tin, cứu rỗi họ nhờ sự ăn năn hoán cải. Là con người chống đối và cứng đầu trước Lời của Thiên Chúa, Giôna trở thành một dấu chỉ hành vi cứu độ của Thiên Chúa cho dân thành Ninivê.
Cũng vậy, Con Người trở thành một dấu chỉ cho thế hệ của Người, dấu chỉ duy nhất đáng tin cậy. Ngay từ lần giảng dạy tại hội đường ở Nadarét (x. Lc 4:25-27), Đức Giêsu đã từng nhắc nhớ rằng Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ Êlia và Êlisa đem ơn chữa lành đến không chỉ cho những người Do Thái mà cho cả những người dân ngoại. Bây giờ Đức Giêsu cho thấy rằng Người đến là để đem ơn cứu độ không chỉ cho dân Ítraen nhưng cho mọi người. Nhờ Con của Người hóa thành nhục thể, Thiên Chúa mở rộng cho toàn thế giới sự tuyển chọn vốn dành riêng cho Ítraen. Với nhân tính của mình làm dấu chỉ hùng hồn, Đức Giêsu, nơi Người Thiên Chúa trở nên một với mọi người, Người kêu gọi chúng ta đến với một sự hoán cải tâm hồn thực sự, một quả tim mới sẵn sàng nghe và chấp nhận cái logic của Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi. Đức Giêsu chỉ cho thế hệ của Người, cho đồng bào của Người thấy rằng Nữ Hoàng Shêba, mặc dù là dân ngoại, đã nhìn nhận nơi sự khôn ngoan của vua Salômôn những dấu vết của tình yêu của Thiên Chúa, và những người dân thành Ninivê, vốn là những dân ngoại và những kẻ tội lỗi cứng lòng, khi đối diện với lời sấm về tai họa mà ngôn sứ Giôna công bố, đã đón nhận lời mời gọi hối cải.
Mặt khác, Dân của Thiên Chúa chống lại việc Chúa của họ đến, họ sẽ bị xét xử bởi những người ở xa, những người ‘không-phải-Dân”, được đại diện bởi Nữ Hoàng Phương Nam và dân thành Ninivê. Ở đây ta thấy bi kịch của việc Ítraen không chịu nghe, từ chối nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, thời cơ cứu độ thuận lợi, cuộc viếng thăm của Chúa (x. Lc 19:44; Rm 9–11). Sự tuyển chọn đặc biệt dành cho Ítraen và các lời hứa của Thiên Chúa với dân của Người không tạo nên địa vị ưu việt và các đặc quyền cho một mình dân Ítraen. Cái logic của Thiên Chúa trong sự tuyển chọn hệ tại tính chất cụ thể của ơn cứu độ trong lịch sử và cũng hệ tại tính đại diện thay thế của tất cả những người, vì nhân tính của họ, họ được chia sẻ cùng một nguồn gốc và một số phận của cuộc tạo dựng. Trải nghiệm của ngôn sứ Giôna bị chôn trong bụng cá voi là một ám chỉ rõ rệt về cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu; ông biểu thị cho việc Thiên Chúa thực sự mở rộng sứ mạng cứu rỗi ra cho mọi người, được thấy trong Hội Thánh, trong tính phổ quát và bí tích của Hội Thánh. Nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, dân tuyển chọn và dân ngoại trở thành một dân duy nhất được cứu chuộc (x. Ep 2:11-19) và được hiệp nhất trong phép rửa với cuộc Vượt Qua của Chúa (x. Rm 6). Sự hiện diện của họ trong thế giới tham gia vào sứ mạng của Đức Giêsu là một dấu chỉ hữu hình và hiệu quả của ơn cứu độ diễn ra hôm nay trong lòng những con người, không có sự phân biệt hay từ chối từ phía Thiên Chúa. Hội Thánh của Thiên Chúa, bí tích cứu độ phổ quát, trong trạng thái truyền giáo thường xuyên, được gửi đến cho mọi người, kêu gọi mọi người đến với Đức Kitô. Khi chịu bách hại, Hội Thánh sống lại cuộc khổ nạn cứu chuộc của Chúa; khi được đón nhận, Hội Thánh trải nghiệm tính hiệu quả của cuộc Phục Sinh của Người; và trong sự lớn lên của các tín hữu trong phép rửa, Hội Thánh nhìn thấy những hiệu quả dồi dào của lòng thương xót và tha thứ của Chúa, Thầy và Hôn Thê của Hội Thánh, Đức Giêsu Kitô.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng