WHĐ (3.8.2020) – Nếu có ai đó hỏi rằng: “Mọi thứ liên hệ với ‘Vấn đề Thiên Chúa’ như thế nào?” thì nhiều người trong chúng ta sẽ có khuynh hướng trả lời ngay lập tức rằng: “Liệu đó có phải là vấn đề thực sự hay không?”
“Dĩ nhiên là không!” là câu trả lời của các nhà duy lý và khoa học cực đoan – những người tuyên bố rằng không thể trình bày khái niệm về Thiên Chúa theo cách thức như một lời giải thích có thể hiểu được, không mâu thuẫn và thuộc về lý trí. Trước khi hỏi về “Vấn đề” đó, chúng ta buộc phải biết vấn đề đó nói về điều gì. Do đó, chúng ta phải làm rõ khái niệm về Thiên Chúa trước khi đưa ra những phát biểu như là “Thiên Chúa hiện hữu” hay “Thiên Chúa không hiện hữu” hay “Thiên Chúa có hiện hữu không?”; như vậy những phát biểu ấy mới có thể được xem là những đối tượng của suy tư. Tuy nhiên, điều này là không thể. Mỗi phát biểu trừu tượng về Thiên Chúa hoặc là mâu thuẫn, hoặc không thể hiểu được như là một vấn đề nguyên lý, bởi vì không có cách nào liên hệ những phát biểu ấy với thực tại của kinh nghiệm. Bởi vậy, “Vấn đề” ấy trống rỗng.
Nhưng kể cả một số tín hữu – nếu có những người như thế – cũng chẳng bao giờ băn khoăn về “Vấn đề Thiên Chúa”, bởi vì niềm tin mà họ thừa hưởng vẫn luôn kiên vững và không thể lay chuyển. Họ biết chắc rằng họ sống trong một thế giới được Thiên Chúa điều khiển. Và đối với những linh hồn được tuyển chọn này, những người có được phúc lành trải qua kinh nghiệm thần bí, thì có thể thuật ngữ “niềm tin” là không thích hợp. Vì niềm tin chỉ hoạt động khi có một khoảng cách tăm tối nảy sinh điều không chắc chắn giữa chủ thể và đối tượng của nhận thức. Trong kinh nghiệm thần bí, tất cả mọi khoảng cách đều bị xoá bỏ. Do đó, một cách tự nhiên, những nhà thần bí này không đặt ra cho chính mình câu hỏi về “Vấn đề Thiên Chúa”.
Ngay cả đối với những người vô thần cực đoan – nếu có những người như vậy –, cũng không thể có bất cứ câu hỏi nào về “Vấn đề Thiên Chúa.” Họ biết chắc rằng khoa học đã loại trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới một cách đầy thuyết phục, và dung mạo của Thiên Chúa chỉ là một diễn tả hoặc những gì còn sót lại của mê tín dị đoan và ngu muội, hay một cơ chế phòng vệ về mặt tâm lý, hoặc những xung đột xã hội.
Tuy nhiên, thế giới mà chúng ta đang sống không phải là một thế giới gồm những người hài lòng và mãn nguyện bám chặt vào đời sống tin hay không tin. Nhưng giống như thời của những người tị nạn hay lưu đày, “người Do Thái lang thang” đi tìm lại quê hương đã mất – quê hương tinh thần hay cụ thể. Trong cuộc sống vô định này, chẳng có gì chắc chắn, chẳng có gì bảo đảm, chẳng có gì bền vững, chẳng có gì – trừ việc đi lang thang – là rõ ràng.
Một vị Thiên Chúa, Đấng đã xác định trật tự chặt chẽ của các giá trị, các tương quan xã hội, các quy luật tư tưởng và các vũ trụ vật lý, và là Đấng được coi là mái vòm vượt lên trên trật tự này, giờ đây mái vòm ấy không còn nữa bởi vì chính trật tự ấy cũng không còn thấy nữa. Bao lâu con người còn tin tưởng vào tính bền vững của trật tự này, thì bấy lâu vô thần vẫn có chỗ đứng trong đó (Tôi chỉ đề cập đến nền văn minh Kitô giáo châu Âu). Cho dù họ bị coi là sai lầm, điên khùng, hay là sứ giả của hoả ngục, thì vị trí của họ trong trật tự thế giới được ghi nhận này vẫn có thể giải thích được. Cho dù bị bách hại, bị cấm đoán, bị tuyên án tử hình, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc, bởi họ chắc chắn mình không những có chính nghĩa, mà cả đời sống tinh thần cũng không vướng bận lo lắng.
Nhưng cùng với sự xác tín của niềm tin, thì sự xác tín của không tin cũng bị đổ vỡ. Trái với thế giới thoải mái xa xưa, được bảo vệ bởi Thiên nhiên thân thiện đầy thiện chí của thời Khai sáng vô thần, thế giới vô thần ngày nay được quan niệm như một sự hỗn mang đau đớn không ngừng. Nó bị tước mất hết mọi ý nghĩa, mọi hướng dẫn, mọi dấu đường, và mọi cấu trúc. Zarathustra đã nói như thế. Hơn một trăm năm qua, từ khi Nietzsche tuyên bố rằng Thiên Chúa đã chết, người ta hiếm khi nhìn thấy những người vô thần vui vẻ. Một thế giới trong đó con người bị bỏ mặc với sức mạnh của chính mình, trong đó con người tuyên bố chính mình là người ban luật tự do cho mọi loại sự thiện cũng như sự dữ, trong đó con người – được giải thoát khỏi thân phận nô lệ của Thiên Chúa –, đã hy vọng lấy lại những giá trị đã mất, thế giới ấy đã biến đổi chính nó thành một nơi lo lắng bất tận. Sự vắng bóng Thiên Chúa làm cho vết thương tinh thần của châu Âu ngày càng mở rộng hơn, cho dù vết thương ấy đã bị lãng quên nhờ được gây mê nhân tạo. Đơn giản, chúng ta hãy so sánh thế giới vô thần của Diderot, Helvétius và Feuerbach với sánh thế giới vô thần của Kafka, Camus và Sartre. Sự sụp đổ của Kitô giáo mà thời đại Khai Sáng hân hoan mong đợi đã diễn ra hầu như đồng thời với sự sụp đổ của chính thời đại Khai Sáng. Trật tự mới mẻ rực rỡ của nhân trung thuyết vốn được xây dựng thế chỗ cho Thiên Chúa bị hạ bệ đã chẳng bao giờ xuất hiện. Điều gì đã xảy ra? Tại sao định mệnh của chủ nghĩa vô thần bị cột chặt với định mệnh của Kitô giáo một cách kỳ lạ như thế, đến nỗi hai đối thù này luôn đi cùng nhau trong sự bất hạnh và bấp bênh của chúng?
Lịch sử Kitô giáo hiển nhiên để lại cho chúng ta những bằng chứng vĩ đại về sự thao thức thiêng liêng vào những giai đoạn khác nhau: trong các tác phẩm của thánh Augustine khi còn trẻ, của Pascal, và của Kierkegaard. Nhưng sự thao thức như là phẩm chất của tinh thần tuyệt hảo, cái quidditas (yếu tính) của nó, là dấu chỉ của thời đại và văn hoá của chúng ta, nó tồn tại và phát triển thành một “cú ngoặt” sáng tạo mà mọi người chúng ta đều cảm nghiệm như một điều đáng sợ – dù chúng ta không thể đồng ý về một phán đoán. Có phải nguồn gốc của nỗi đau này là bị Thiên Chúa từ bỏ? Có phải Kierkegaard đã đúng khi nói rằng mọi nỗi tuyệt vọng về những điều của trần thế này thực ra là – và không nhất thiết là chúng ta phải ý thức được điều ấy – nỗi tuyệt vọng về Vĩnh Cửu? Tất nhiên chúng ta không thể chứng minh được điều này, chúng ta chỉ có thể nghi ngờ mà thôi.
Sự nghi ngờ này không chỉ ám ảnh giới trí thức, triết gia và thi sĩ nhưng cũng ám ảnh cả giới tinh thần châu Âu trong đời sống thường nhật của họ. Việc không ngừng gây đau khổ và thi vị hóa đều bào mòn hai thái cực trong nền văn hóa tôn giáo – Kitô giáo và vô thần; chúng ta cũng có thể thấy điều ấy đang phổ biến qua thái độ dửng dưng trong đời sống thiêng liêng thời nay. Ngay cả khi người ta tỏ ra lãnh đạm, sự trống trải khó chịu ấy cũng không che giấu hoàn toàn được. Đằng sau mọi thành công và kinh nghiệm của chúng ta ẩn giấu một cảnh báo của sách Khải Huyền: “Ngươi nói: Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi. Nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng” (Kh 3, 17).
Người ta thường nói rằng phong trào thế tục hoá phát sinh, một mặt từ tiến bộ của khoa học, mà vai trò của nó đã lớn mạnh trong mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta và Thiên Chúa không còn chỗ đứng trong đó nữa, và mặt khác, từ sự bất lực của Kitô giáo, cách riêng là Giáo Hội Công giáo, trong việc khắc phục các vấn đề to lớn của xã hội theo sau công nghiệp hoá. Theo quan điểm này, Kitô giáo đã cho thấy mình thật vụng về trước những xung đột và nhu cầu xã hội bởi vì đôi mắt của Giáo Hội cứ luôn ngước nhìn trời và nhìn lên Chúa. Vì bị lãng quên, nên những gì thuộc trần thế phải tự lo cho mình.
Đối với tôi chẳng có điều nào trong quan niệm phổ biến này tỏ ra đáng tin. Về điều đầu tiên, rõ ràng đúng là Thiên Chúa không phải là một giả thuyết thực nghiệm để có thể kiểm chứng hay trình bày theo khoa học, hay sẽ được trình bày như vậy. Sự khiếm khuyết của trí năng chúng ta trong vấn đề này là không thể tránh được. Không có con đường tiếp cận logic xuất phát từ tri thức thực nghiệm, dù tri thức này có mở mang rất nhiều, bất tận, mà lại không nói đến sự lĩnh hội tự giác của cá nhân đối với Thiên ý Quan phòng. Suốt từ thế kỷ XVII, khi nghiên cứu khoa học tách mình ra khỏi thần học và việc thờ phượng của tôn giáo, rồi quy chuẩn hoá các quy luật tiến hành nghiên cứu của mình, thì người ủng hộ khoa học và những phương pháp nền tảng của khoa học đã hoàn toàn dửng dưng với “Vấn đề Thiên Chúa.” Điểm thiết yếu của việc quy chuẩn hoá này là làm cho các kết quả khoa học trở thành công cụ để dự đoán, và qua đó, đặt các hiện tượng tự nhiên dưới sự kiểm soát của con người.
Việc Thiên Chúa có thể bị đưa ra khỏi thế giới qua các phương tiện như vậy là hoàn toàn không đáng tin, trừ phi người ta nhầm lẫn khoa học với chủ nghĩa duy lý khoa học. Chủ nghĩa duy lý khoa học –tức là quy luật theo đó giá trị của tri thức được xác định bởi việc áp dụng các quy tắc khoa học một cách rõ ràng– là một học thuyết nhận thức luận mang tính độc đoán do các triết gia muốn phá hoại niềm tin tôn giáo nghĩ ra. Chủ nghĩa khoa học không phải là một hệ quả hợp lý của khoa học, cũng không phải là một hệ quả xã hội của khoa học, cho dù người ta vẫn thường cho đó là hợp lý. Ngay cả nếu chúng phát triển song song với nhau, thì cũng không phải vì khoa học sinh ra chủ nghĩa khoa học theo quan hệ nhân quả. Dĩ nhiên sự nối kết giữa chúng không phải là ngẫu nhiên. Chủ nghĩa duy lý khoa học được đặt nền tảng trên các nguyên lý mang tính quy phạm và diễn tả một trật tự cụ thể các giá trị. Thiên Chúa bị loại ra khỏi nhận thức khoa học về thế giới, bởi vì nó loại trừ tất cả những gì không cho phép sử dụng nó vào khát vọng làm chủ thiên nhiên của con người.
Trong thực tế, cả thần học Kitô giáo lẫn cấu trúc thông dụng của nó đều không vô tội khi nhầm lẫn giữa tri thức thuần lý với đức tin, trong đó chúng cố gắng thuyết phục người ta rằng người ta có thể dùng kinh nghiệm để khám phá sự công chính của Thiên Chúa trong thế giới và có thể thoả sức khai thác Ngài với những nỗ lực và đam mê của chúng ta. Quan điểm đi ngược lại Kitô giáo một cách chủ yếu này chính là điều phải gọi là mê tín. Mê tín hệ tại việc quan niệm Thiên Chúa như một cỗ máy – mà nếu áp dụng đúng kỹ thuật thì cỗ máy đó sẽ cho ra những hiệu quả mong muốn, ví dụ như là cầu nguyện là một hoạt động kỹ thuật, nếu được thực hiện chu đáo cho đủ, nó sẽ mang lại cho chúng ta những kết quả hoàn toàn như mong đợi.
Trong mức độ giáo huấn Kitô giáo đẩy mạnh những thái độ mê tín như vậy, nó đóng góp một cách oan nghiệt vào cái chết của chính nó. Điều này cũng áp dụng cho nền thần học tuyên bố rằng mình thực hành “thần học khoa học” . Khi niềm tin ganh đua với khoa học trong việc sử dụng cùng những tiêu chuẩn, nó bị chỉ trích là trở thành một khoa học giả tạo mà những nỗ lực của nó luôn thất bại và những khẳng định của nó luôn bị bác bỏ. Càng nhầm lẫn niềm tin với kiến thức thế tục, người ta – nhất là những người có học thức – càng cảm thấy bị buộc phải giao phó niềm tin cho sự mê tín định đoạt. Thế giới quan của Kitô giáo là và luôn là một cái nhìn sáng suốt về định mệnh của con người. Trái lại, “thần học khoa học” là một mê tín.
Theo nghĩa này, người ta có thể cho rằng chủ nghĩa duy lý khoa học có tác dụng chữa lành đối với văn hoá, trong đó, nó góp phần vào việc gạn lọc mê tín của Kitô giáo và đưa Kitô giáo trở về chỗ hiểu biết rõ hơn ơn gọi của mình. Chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa khoa học củng cố lẫn nhau; điều đó khỏi cần nói. Nhưng một lần nữa, không cái nào trong hai chủ nghĩa ấy được coi là sản phẩm thực sự của khoa học. Nguồn gốc của cả hai có thể được tìm thấy rõ ràng hơn nơi các thực tại văn hoá, nơi khuynh hướng của chúng ta xem thường tất cả những gì có vẻ như vô dụng đối với đòi hỏi đầy tham vọng muốn làm chủ và khao khát chiếm hữu của chúng ta. Cơn khủng hoảng niềm tin hiện nay trong khoa học và kỹ thuật khi đối diện với những hậu quả nguy hại của nó có thể làm yếu đi những ý thức hệ của chủ nghĩa duy lý khoa học. Tuy nhiên, chính cơn khủng hoảng cũng chẳng liên quan gì đến việc các chuẩn mực của tri thức khoa học có giá trị hay không có giá trị.
Thế thì nói rằng Kitô giáo phải chịu những mất mát to lớn như vậy bởi vì nó không “khoa học” đủ, đối với tôi là một điều rất đỗi ngây thơ. Trái lại phải nói rằng: hễ khi nào Kitô giáo muốn củng cố các giá trị “khoa học” của mình, thì chỉ dẫn tới một tri thức giả tạo bất lực, và chính những đòi hỏi ấy gây ra những va chạm vô ích với khoa học. Chính nỗi sợ của Kitô giáo – muốn khẳng định rằng mình đối lập rõ ràng với chủ nghĩa duy lý –, đã dẫn tới chỗ không chỉ lòng tin bị xói mòn, mà cả những cố gắng tấn công khoa học cách vô hiệu. Bởi vì ngay cả ý niệm về sự mâu thuẫn giữa khoa học và đức tin cũng dựa trên một quan niệm về đức tin như là một loại tri thức trần thế.
Điều tương tự cũng đúng về lời chỉ trích thứ hai rằng Kitô giáo chỉ quan tâm đến các giá trị thiêng liêng nên không màng đến cộng đồng trần thế và cũng chẳng cố gắng đi tìm câu trả lời cho các vấn đề xã hội nghiêm trọng của thời đại. Với thái độ ấy, Giáo Hội đã tự huỷ hoại chính mình. Nhưng liệu có đúng đắn hơn nếu khẳng định quan điểm ngược lại hay không? Sai lầm của Giáo Hội ở tại thực tế này nhiều hơn, đó là khi Giáo Hội gắn những khẳng định luân lý của mình một cách chắc nịch vào một học thuyết xã hội cụ thể, vì khi làm như vậy, Giáo Hội đã tự mình hứng lấy lời chỉ trích rằng Giáo Hội đã trộn lẫn các giá trị vĩnh cửu của mình với các hình thức xã hội hiện đại – nghĩa là trộn lẫn thánh thiêng với phàm tục.
Tôi tin rằng có những yếu tố có nền tảng vững chắc trong các cuộc công kích mà những người theo chủ nghĩa xã hội thế kỷ XIX nhắm vào hàng phẩm trật Giáo Hội. Lập trường của Giáo Hội khi đối mặt với sự thay đổi của xã hội và số phận của người nghèo và người bị bạc đãi là đáng bị phê phán. Tuy nhiên, chúng ta sai lầm khi nói rằng Giáo Hội chỉ nghĩ đến một thế giới khác, hay Giáo Hội cần tập trung nhiều hơn và đời sống và những đau khổ trần thế. Trái lại, đúng hơn phải nói rằng Giáo Hội bị gò bó quá nhiều trong những cơ cấu xã hội hiện tại, và thường đem lại cảm tưởng rằng những cơ cấu này hoàn toàn dựa trên các giá trị Kitô giáo không thể thay đổi.
Kitô giáo luôn bị đe dọa bởi cùng một cơn cám dỗ ấy, nhưng theo hai dạng thức trái ngược nhau. Nó không bao hàm việc lãng quên trần gian, nhưng đúng hơn là lãng quên giá trị tương đối không thể tránh được của những công việc trần gian. Cả hai dạng thức này đều cổ vũ vô thần, trong đó, chúng dường như lập lờ về ranh giới giữa thánh thiêng và thế tục –thậm chí loại bỏ ranh giới ấy. Nhưng không có điều nào của thế tục –không phải với mục đích xã hội hay lý trí– mà người Kitô hữu lại cần được chuẩn bị tốt hơn quyền lực thế tục để tự vệ. Tuy nhiên có lẽ nhiều người Kitô hữu lại muốn tham dự vào những công việc của chính trị thế tục và những xung đột xã hội, nhưng họ phải quan niệm mọi thiện ích thế tục là tương đối. Nhưng Giáo Hội cũng không thể hoàn toàn phi chính trị, bởi vì xét cho cùng, nó là một bộ phận của văn hoá. Vì thế, nó phải cảnh giác về việc từ khước đồng hoá mình với bất cứ tổ chức hay phong trào chính trị hiện tại nào.
Những mối dây ràng buộc xa xưa giữa Giáo Hội và trật tự xã hội trần thế thật nguy hiểm cho Kitô giáo vì như những nỗ lực mới nhằm nối kết lý tưởng Kitô giáo với các ý thức hệ chính trị của chủ nghĩa Mêsia cách mạng. Những khuynh hướng cũng chẳng đáp ứng được hy vọng về một sự canh tân sức sống của sứ điệp Kitô giáo. Trong cả hai, chúng ta cảm nhận cám dỗ xem nhẹ sứ điệp này so với các mục đích trần thế– tức là cám dỗ biến Thiên Chúa thành một công cụ, một vật dụng sẵn sàng cho con người sử dụng. Khuynh hướng thần quyền (tuy đã yếu đi nhưng vẫn chưa biến mất) – niềm hy vọng thảm hại và bất thành rằng nhân loại có thể được cứu chuộc bằng việc cưỡng ép – và cố gắng xem ra đối nghịch muốn hạ thấp các giá trị Kitô giáo xuống ngang hàng với ý thức hệ giải phóng nào đó, chúng cùng nhau hoạt động theo quan điểm căn bản của chúng. Cả hai biến Thiên Chúa thành một phương tiện của các mục đích mà, dù có được biện minh hay không, thì cũng chẳng bao giờ được coi là mục đích theo quan điểm Kitô giáo. Mỗi khuynh hướng ấy đều có nguy cơ biến cộng đoàn Kitô hữu thành một đảng phái chính trị. Do đó, cả hai cho thấy Kitô giáo bị xói mòn từ bên trong. Đó luôn là trường hợp mối đe dọa lớn nhất đến từ những kẻ thù trong nhà.
Được mô tả một cách khái quát như thế, tình huống này không có vẻ mới. Toàn bộ lịch sử giáo huấn Kitô giáo có thể được xem như là một cuộc đấu tranh không ngừng vượt ra các ranh giới giữa thiêng và phàm. Những cuộc cách mạng tinh thần mạnh mẽ nhất xuất hiện như là những chia cắt trong lịch sử này thường là những nỗ lực ngăn chặn tiến trình tục hoá (profanization), để đưa Kitô giáo trở về ơn gọi nguyên thuỷ của mình, và nỗ lực chống lại việc Kitô giáo thống trị bằng những lợi quyền thế tục. Những biến động như vậy không hề là không phải trả giá và hoàn toàn thành công. Rốt cuộc mối nguy hiểm không hề bị loại trừ, bởi vì nó nằm trong chính bản chất của Kitô giáo, trong sự căng thẳng muôn đời giữa việc tự định nghĩa mình về mặt thiêng liêng và mặt thế tục. Giáo Hội là và phải luôn là kho tàng ân sủng của Thiên Chúa và đồng thời cũng là một tổ chức hiện hữu trong thế giới, được xác định về mặt văn hoá, đổi thay theo lịch sử và hoạt động với các phương tiện của trần thế.
Chúng ta có Tin Mừng làm chứng cho sự liên đới với người nghèo, người bị áp bức, người bất hạnh và người không có khả năng tự vệ – chứ chúng ta không có một Tin Mừng loan báo lời hứa về một thế giới không có sự dữ, không có đau khổ, không có xung đột. Chúng ta có Tin Mừng lên án những kẻ sống trong tiện nghi hào nhoáng mà giả điếc làm ngơ trước những đau khổ và đói khát ham của người túng thiếu – chứ chúng ta không có Tin Mừng rao giảng về sự công bằng hay bất công xã hội, hay quyết định phương pháp xây dựng một hệ thống xã hội hoàn chỉnh qua đó, mọi nhu cầu và khao khát của con người đều được thoả mãn và không còn thất vọng. Chúng ta có Tin Mừng lên án những kẻ bạo tàn và bách hại – chứ chúng ta không có Tin Mừng thoả hiệp với một loại áp bức kẻ khác nhân danh những giấc mơ khải huyền. Một Kitô giáo trong đó nó chấp nhận một cách kín đáo rằng Thiên Chúa luôn sẵn sàng trợ giúp chúng ta, bảo vệ mọi thứ lý lẽ, học thuyết, ý thức hệ, hay đảng phái chính trị, là một nền vô thần cải trang.
Theo nghĩa này người ta có thể nói rằng cả khuynh hướng thần quyền cố hữu lẫn “chủ nghĩa cấp tiến” Kitô giáo đã thúc đẩy việc giải trừ Kitô giáo (dechristianization). Điều người ta tìm kiếm trong tôn giáo – ngạc nhiên thay – là Thiên Chúa, chứ không phải là việc biện minh cho các giá trị chính trị hay những giải thích “khoa học” về thiên nhiên. Kitô giáo mà cúi đầu trước các hình thức tư tưởng và chính trị để tìm kiếm những thành công nhất thời là tự huỷ diệt chính mình. Nó không bao giờ có thể sánh ngang hay vượt lên trên khoa học trong việc áp dụng các tiêu chuẩn khoa học vào giáo huấn Kitô giáo. Không bao giờ có thể đứng ngang hay vượt lên trên lời hứa hẹn về hạnh phúc trần thế được các ý thức hệ chính trị đưa ra, và nếu Kitô giáo cố làm như thế, chắc chắn nó sẽ không tránh khỏi tỏ ra mình bất lực và không thích hợp. Kitô giáo nhìn thấy định mệnh nhân loại trong ánh sáng Tin Mừng và sách Job – chứ không phải trong các phạm trù mà chủ nghĩa không tưởng về thần quyền, kỹ trị hay cách mạng đã xây nên.
Có thể – và dĩ nhiên chỉ là suy đoán – việc bài Kitô giáo rốt cục sẽ cho thấy chính nó lại là nguyên nhân phát sinh Kitô giáo. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu một Kitô giáo thường bị coi là, một mặt, có quan điểm chính trị quyền lực và vận động ngoại giao, mặt khác, cuồng tín và coi trọng hàng giáo sĩ, đã đến lúc mạt vận. Nhờ ăn năn đau đớn để thanh tẩy cái lịch sử thế tục và nhẫn tâm, hẳn sẽ xuất hiện một Kitô giáo đúng với tinh thần của mình. Có lẽ như vậy.
Phải nói rằng Kitô giáo cần phải thay đổi ngôn ngữ giáo huấn của mình và thích ứng với những biến đổi nơi nền văn minh. Nó đã làm như vậy hơn một lần mà không gặp những khó khăn to lớn nào. Trong tiến trình thích nghi này, có nguy cơ là cứ mải tìm hình thức mới, thì sẽ quên mất nội dung. Trường hợp cụ thể là châu Âu ngày nay gần như đã điếc với ngôn ngữ đã thành quy ước của thần học. Trường phái Tôma có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử văn hoá, đó là điều không ai có thể nghi ngờ. Nhưng là một khung khái niệm chúng ta dựa vào để lĩnh hội thế giới ngày nay, thì nó lại gặp phải những hạn chế.
Vấn đề không phải, như người ta thường nghe, là giáo huấn truyền thống thì “không thể nào hiểu được” đối với con người thời nay. Chẳng có cơ sở nào để nói rằng chúng ta bỗng nhiên trở thành ngớ ngẩn, rằng có những điều người thời Trung cổ dễ dàng hiểu được, thì chúng ta lại chẳng hiểu gì. Chủ yếu nhất chính là khoảng cách giữa cuộc sống thường nhật chúng ta cảm nghiệm và di sản khái niệm thần học. Việc tìm kiếm ý nghĩa nơi trần thế không chỉ bắt đầu bằng việc phải quan tâm đến môi trường văn minh –gồm tất cả các yếu tố– còn trật tự hay đã rối loạn, mà còn phải ý thức sự hiện diện thường trực của sự Dữ đang thể hiện ra sao nơi số phận con người trong những xáo trộn, đau khổ, lo lắng cụ thể thuộc nền văn minh này.
Chúng ta đã khẩn cầu Thiên Chúa rời bỏ thế giới này. Ngài đã làm điều này theo yêu cầu của chúng ta. Một lỗ hổng còn đó. Chúng ta liên tục cầu nguyện với lỗ hổng này, nhưng vô ích. Không ai trả lời. Chúng ta giận dữ, thất vọng. Có phải đây là một bằng chứng về việc Thiên Chúa không hiện hữu?
Đâu là điều mới mẻ trong kinh nghiệm của chúng ta? Sự dữ? Nó luôn ở với chúng ta và phát xuất từ chúng ta. Nó thực sự lớn hơn trước đây? Đôi khi chúng ta hỏi: Thiên Chúa ở đâu trong Auschwitz, Kolyma, với tất cả vụ diệt chủng, tra tấn, chiến tranh, tàn bạo? Tại sao Ngài vẫn cứ ung dung? Nhưng đó là câu hỏi dở. Ngoài thực tế rằng những nỗi kinh hoàng tàn ác mà con người thực hiện chống lại đồng loại chưa từng được biết đến trong mọi thời kỳ lịch sử, đó là tội diệt chủng, tàn sát người vô tội và tra tấn dã man luôn xảy ra, sự dữ đó – sự dữ trong chúng ta – không bao giờ ngưng hoạt động, chúng ta gài vào câu hỏi như vậy cái ý tưởng về một Thiên Chúa phải có trách nhiệm làm phép lạ để bảo vệ con người chống lại sự dữ của chính mình, phải làm cho con người được hạnh phúc dù con người đang tự gây thương tích cho mình. Nhưng một Thiên Chúa hoạt động như một thế lực ma thuật để phục vụ những nhu cầu thời thượng của chúng ta không bao giờ là Thiên Chúa của đức tin Kitô giáo hay của bất cứ tôn giáo lớn nào – tuy nhiên cảm nhận về một Thiên Chúa như thế vẫn thường thấy trong các tôn giáo dân gian. Nói cách khác, người ta sẽ cho rằng các các vị tử đạo tiên khởi đã nhanh chóng đánh mất niềm tin của họ, bởi vì Thiên Chúa đã không ban cho các ngài một sự trợ giúp kỳ diệu nào để giúp họ thoát khỏi bàn tay của những kẻ bách hại. Niềm tin vào phép lạ dĩ nhiên bao giờ cũng có, nhưng cũng được nhắc nhở rằng không phải lúc nào cũng chỉ biết trông vào phép lạ.
Không, Auschwitz và Kolyma không phải là nguyên nhân sinh ra vô thần. Nhiều người bị cám dỗ nghĩ như vậy, cho rằng chỉ có những kẻ vô thần mới làm những điều quái ác như thế, họ dùng luận điệu này để bảo vệ chính nghĩa của Thiên Chúa. Cám dỗ này thật nguy hiểm vì lịch sử còn đầy dẫy sự tàn độc nơi bàn tay kẻ đạo đức.
Con người ngày nay thấy sự dữ đang diễn ra trong thời đại mình thì không vì thế mà mất đức tin. Cách họ nhận thức sự dữ đã cho thấy họ mất đức tin rồi, vì vậy nhận thức về sự dữ và mất đức tin cùng củng cố cho nhau. Tình hình cũng như thế đối với những người có đức tin. Họ nhìn sự dữ trong ánh sáng đức Tin, và như vậy chẳng lúc nào đức tin của họ lại bị suy yếu, mà còn thêm chắc chắn. Như vậy, không thể cho rằng sự dữ trong thời đại chúng ta làm cho người ta nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa. Không có mối liên hệ tâm lý hay luận lý nào có đủ sức thuyết phục.
Điều tương tự cũng đúng đối với khoa học. Cho dù Pascal rùng mình khi khám phá sự “im lặng vĩnh cửu” của không gian vô tận của Descartes, thì sự thinh lặng lẫn ngôn ngữ của Thiên Chúa đều thực sự ở trong tai của người lắng nghe. Việc Chúa hiện diện hay không hiện diện là do tin hay không tin, và điều nào cũng cần được khẳng định bằng tất cả mọi quan sát.
Ý nghĩa của trào lưu Khai sáng vô thần vẫn chưa được bộc lộ hết, bởi vì, trước mắt chúng ta và trong linh hồn chúng ta, sự sụp đổ của niềm tin già nua và trào lưu ánh sáng đều mang ý nghĩa như nhau. Chúng ta có sống trong một “thời kỳ quá độ” không? Nói như vậy hầu như là lặp lại không cần thiết: chẳng bao giờ trong lịch sử lại xảy ra điều gì khác hơn là những thời kỳ quá độ. Nhưng chúng ta sẽ quá độ sang đâu? Chúng ta không thể biết. Người ta có thể tuyên bố một cách khéo léo rằng thời kỳ ánh sáng, cùng với tính chất vô thần của nó, là điều kiện dẫn đến các thành tựu hiện đại hóa về tri thức và khoa học. Và “sự khó chịu đối với trào lưu Khai sáng” giờ đây đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Có phải Carl Gustav Jung đã đúng khi nói rằng theo nguyên mẫu thần thoại, cái chết của Thiên Chúa luôn đi trước sự phục sinh của Ngài? Do đó, chúng ta sống trong một thời kinh khủng giữa thứ Sáu Tuần Thánh và Chúa nhật Phục Sinh, trong thời kỳ đó Đấng Cứu Thế, đã chết và chưa phục sinh, đang xuống ngục tổ tông? Chúng ta cũng không thể biết được. Chúng ta chỉ biết chắc mình thật bất an.
Cuối cùng, một điểm về sự trùng hợp ngẫu nhiên. Xem xét các sự kiện lịch sử được giả định như sau:
– Vào năm 490 TCN, quân đội Ba Tư được cho là đã tiêu diệt đội quân yếu hơn của người Athen ở Marathon.
– Vào năm 40 TCN, Julius Caesar 55 tuổi theo lời khuyên của nhà đoán số Spurinna đã không đi tới Senate.
– Vào năm 33 SCN, đám du thủ du thực ở Giêrusalem trả lời cho câu hỏi của Pontius Pilate nên tha ai.
– Vào năm 1836, Wolfgang Amadeus Mozart 80 tuổi qua đời tại Vienna.
– Vào ngày 22 tháng 12 năm 1849, một thanh niên Nga tên là Fyodor Mikhail Dostoevsky bị bắn chết vì những hoạt động cách mạng của anh ta tại St. Petersburg.
– Vào ngày 30 tháng 8 năm 1918, Fania Kalpen bắn chết Vladimir Ilyich Lenin.
– Vào tháng 8 năm 1920, Marshal Pilsudski phạm một sai lầm nhỏ, kết quả là hồng quân đã chiếm được Warsaw, sau đó là Ba Lan và Đức.
– Vào năm 1938, Adolf Hitler qua đời vì đau tim.
– Vào năm 1963, Joseph Stalin qua đời.
Tất cả điều này có liên hệ gì đến Thiên Chúa?
Lịch sử được dệt từ những trùng hợp ngẫu nhiên nho nhỏ. Điều này có nghĩa là nếu có một kế hoạch và lý trí trong lịch sử, thì đó chỉ có thể là kế hoạch của Thiên Chúa và lý trí của Thiên Chúa. Không một ai trong chúng ta có thể biết điều gì là tốt. Nhưng chúng ta không thể mong mình sẽ từ bỏ khao khát muốn biết.
Sau khi chúng ta đã nhận thức về sự trống rỗng những ngẫu nhiên của lịch sử, thì những ngẫu nhiên ấy lại trở thành sự trống rỗng trong chính bản thân chúng ta. Phải chăng tất cả điều này đều bình thường? Chắc chắn rồi. Nguyên nhân phát sinh lòng tin và không tin đều bình thường, vì ở đâu cũng có.
Đối với người không tin, mối bận tâm về Thiên Chúa là nỗi lo âu trá hình về thế giới. Đối với người tin, mối bận tâm về thế giới là mối bận tâm trá hình về một Thiên Chúa mù mờ. Tuy nhiên, đối với cả hai, thế giới chứa đựng nhiều điều bất ổn. Nói cho đúng, đó là sự bất ổn cho thấy chiến thắng của vô thần và sự tự đắc của trào lưu Khai sáng chẳng hề được bảo đảm hoặc hoàn tất. Cái gọi là chiến thắng thì bị sự hàm hồ và nghịch lý phá huỷ hoàn toàn, còn những gì gặt hái được lại mang đến quá nhiều hoài nghi mới, đến nỗi có thể nói chính xác rằng thời đại chúng ta hiển nhiên là vô thần. Trào lưu vô thần đã luống cuống thay thế Thiên Chúa đã mất bằng một cái gì khác. Chủ nghĩa nhân bản khai sáng đã đề nghị tạo ra một tôn giáo của nhân loại. Nietzsche đã thấy rõ qua những thay thế giả tạo rất phù phiếm này. Những học trò của Comte và Feuerbach trong thế kỷ hai mươi, chẳng hạn Erich Fromm hoặc Julian Huxley, xem ra ít có sức thuyết phục hơn cả về vô thần.
Dĩ nhiên Thiên Chúa có thể bị gạt sang một bên như một mối nguy hiểm về luân lý, bị từ chối vì lý trí không dung nạp nổi, và bị khai trừ vì là nguồn phát sinh tình trạng nô lệ. Nhưng nếu Đấng Tuyệt Đối thực sự bị quên lãng, thì người ta sẽ phải thay thế Ngài bằng một cái gì hữu hạn. Nhưng dĩ nhiên, Đấng Tuyệt Đối không bao giờ có thể bị lãng quên. Và chính sự lãng quên Thiên Chúa lại làm cho Ngài hiện diện, kể cả lúc khước từ Ngài.
Tác giả: Leszek Kolakowski
Nguồn: firstthings.com
Chuyển ngữ: Tú Ân
Hiệu đính: Minh Đức & Thành Thi
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, số 100 (tháng 5 & 6 năm 2017)