Ngày 25/9, tổ chức “Các đôi vợ chồng vì Chúa Ki-tô” đã phát động chương trình giúp công nhân Philippines ở nước ngoài hồi hương, qua sáng kiến “Nhận một gia đình công nhân Philippines ở nước ngoài”, với sự cộng tác của Ủy ban mục vụ chăm sóc người di dân và lưu động của Hội đồng giám mục.
Công nhân Philippines
Tu huynh Jess Ferrer, phụ trách chương trình, cho biết mục tiêu của chương trình là giúp các công nhân có thu nhập và tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Cụ thể, “chương trình nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào việc làm thuê và tái hòa nhập gia đình vào xã hội, được trang bị các kỹ năng mưu sinh.”
Bên cạnh việc giúp các công nhân Philippines ở nước ngoài nhận các trợ giúp hàng ngày của chương trình, sáng kiến cũng sẽ yêu cầu họ tham gia vào các chương trình đào tạo có giá trị.
Có hơn 10 triệu công nhân Philippines làm việc trên khắp thế giới. Do đại dịch, ước tính khoảng 300.000 người đã mất việc làm và con số này có thể lên tới 500.000 vào tháng 12. Tính đến đầu tháng 10, gần 200.000 công nhân Philippines ở nước ngoài đã được hồi hương vì cuộc khủng hoảng sức khỏe. Các hợp đồng chấm dứt trước thời hạn khiến họ không dành dụm được tiền hoặc rất ít.
Theo một cuộc điều tra được thực hiện từ năm 2007 – 2018, 97% gia đình của công nhân Philippines đi làm ở nước ngoài vẫn phụ thuộc vào số tiền họ gửi về để mua thực phẩm và nhu cầu hàng ngày. Những công nhân này là những anh hùng “thầm lặng” nhưng giờ đây họ đang gặp khó khăn và cần được giúp đỡ hơn bao giờ hết.
Cha Resty Ogsimer, Tổng Thư ký điều hành của Ủy ban Di dân và người lưu động, khen ngợi sáng kiến của tổ chức “Các đôi vợ chồng vì Chúa Ki-tô” như gương mẫu cho các cộng đoàn khác. Cha khuyến khích mọi người nhân rộng nỗ lực “truyền tải sự quan tâm, lòng trắc ẩn và sự đón nhận” đối với những công nhân Philippines ở nước ngoài gặp hoàn cảnh khó khăn. Cha nói: “Mỗi người chúng ta đều có thể làm điều gì đó bằng bất cứ cách nào có thể.” (Zenit 01/10/2020)
Hồng Thủy – Vatican News