24/11/2024

Phân bộ Di dân và Tị nạn của Vatican đã đưa ra các hướng dẫn mới để đối phó với những thách thức trong việc hỗ trợ những người di dân nội địa.

 

Những người di dân lao động tại bang Gujarat, Ấn Độ 

 

Trưa ngày 05/05/2020, Phân bộ Di dân và Tị nạn trực thuộc Bộ Phục vụ và phát triển con người toàn diện đã có cuộc họp báo giới thiệu tài liệu “Các định hướng mục vụ về di dân nội địa”.

Đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập

Tài liệu gồm 122 số, với 4 phần chính yếu tương đương với chủ đề của sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới người di dân và tị nạn năm 2018; đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Tài liệu là một đóng góp có ý nghĩa vào “sứ vụ” của Giáo hội và là sự hỗ trợ cho tất cả những người sống trong các cảnh đời ngoại biên, cần được “đón nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập”.

Theo Trung tâm theo dõi hiện tượng di dân nội địa, vào cuối năm 2018, có 41,3 triệu người trên thế giới di tản nội địa; đây là con số cao nhất được ghi nhận trong lịch sử. Dù những lý do thúc đẩy họ phải di tản và cách thức di tản của họ giống như những người tị nạn, những người di tản nội địa không được quốc tế bảo vệ như những người tị nạn.

Nâng cao nhận thức; tăng cường hỗ trợ người di dân nội địa

Tài liệu của Phân bộ Di dân và Tị nạn của Tòa Thánh nhận định rằng “sự khó khăn của cộng đồng quốc tế trong việc can thiệp, đồng thời sự thiếu quan tâm của giới truyền thông và xã hội nói chung thường khiến người di tản nội địa bị lãng quên, làm gia tăng sự dễ bị tổn thương và ngăn chặn việc công nhận và đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu của họ.” Giáo hội được mời gọi “khuyến khích các phương tiện truyền thông và xã hội, theo nghĩa rộng hơn, cũng như các chính phủ, nâng cao nhận thức của cộng đồng.” Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế tìm kiếm các hình thức tăng cường và hỗ trợ mang tính xây dựng, trong sự tôn trọng chủ quyền quốc gia. Do đó, “cần phải đề xuất các nhiệm vụ và quy định minh bạch để bảo vệ người di tản, ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.”

Nạn buôn người

Tài liệu cũng tố cáo nạn buôn người có ảnh hưởng đến người di tản nội địa, đến sự hiện diện của họ ở khu vực thành thị và các trại tị nạn, và kêu gọi bảo vệ những nhà hoạt động nhân đạo.

Xung đột sắc tộc và bộ lạc

Trong số các lý do di tản, Tòa Thánh nhấn mạnh đến các cuộc xung đột sắc tộc và bộ lạc. Và để đối mặt với thách thức này, Giáo hội được mời gọi “hoạt động hòa giải, chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau giữa các nhóm sắc tộc hoặc bộ lạc, thúc đẩy sự chữa lành ký ức, học lại cách giao tiếp đúng và áp dụng lối sống không bạo lực”.

Hợp tác và phối hợp

Tài liệu cũng nhắc đến một bước quan trọng là tính bao gồm của nền kinh tế, và tạo cơ hội cho người di tản nội địa trở về nhà của mình. Cuối cùng, tài liệu kêu gọi hợp tác và phối hợp giữa các tác nhân Công giáo, cũng như hợp tác đại kết và liên tôn. (CSR_3200_2020)

 

Hồng Thủy – Vatican News