“Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng” (1 Pr 1,25)
Suy niệm loan báo Tin Mừng: 06.10.2019 – Chúa Nhật Tuần 27 TN
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Lời Chúa:
Sách: Kb 1:2-3; 2:2-4
Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng.
Chúa đáp lại tôi rằng: “Hãy chép điều con thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng, để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết, và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín”.
Thư: 2 Tm 1:6-8.13-14
Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa ; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.
Tin Mừng: Lc 17:5-10
Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : ‘ Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc ‘, nó cũng sẽ vâng lời anh em.
“Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó : ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo : ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !’ ? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? Đối với anh em cũng vậy : khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Suy niệm
Tin Mừng hôm nay cung cấp một tường thuật rất ý nghĩa về đức tin và một dụ ngôn vắn về vai trò làm tôi tớ Thiên Chúa của chúng ta. Hai giáo huấn khác nhau này trong Tin Mừng Luca được trình bày theo sau một giới luật gắt gao của Đức Giêsu về tội và sự tha thứ, và dẫn tới câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành mười người phong cùi. Không có mối liên kết rõ ràng, lôgích nào giữa các giáo huấn của Đức Giêsu trong Luca 17, hay giữa các giáo huấn ấy và câu chuyện chữa lành theo sau. Tuy nhiên, khi suy niệm về ơn gọi truyền giáo của người Kitô hữu, chúng ta trở thành những bạn đồng hành với các môn đệ (ở đây gọi là tông đồ) khi các ngài cầu xin với Chúa Giêsu: “Xin Thầy thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17:5).
Đáp lại lời cầu xin tăng thêm đức tin (rõ ràng là một lời cầu xin thánh thiện cho sự tăng trưởng thiêng liêng), Đức Giêsu nêu lên một sự so sánh giữa hai thái cực, phối hợp hình ảnh một hạt cải nhỏ xíu trong ngạn ngữ với hình ảnh một cây dâu to lớn. Khi sử dụng hình ảnh ngạn ngữ này, Đức Giêsu thúc đẩy chúng ta vượt lên trên lối suy nghĩ lôgích thường ngày, bằng cách gợi ý rằng đức tin không hoạt động theo các tiêu chuẩn nhân loại bình thường, nhưng có vẻ khó hiểu đối với con mắt của loài người giống như một cây cải ở giữa đại dương. Tự cơ bản, đức tin là sự tín thác sâu xa vào Thiên Chúa và theo các cách thức Thiên Chúa hoạt động. Có lẽ mọi người truyền giáo có chút kinh nghiệm đều đã từng nhìn thấy những kết quả được tạo ra bởi hành động của Thiên Chúa trong các hoàn cảnh có vẻ hoàn toàn chống lại mọi kết quả. Bài Tin Mừng hôm nay thách thức chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa vượt lên trên các giới hạn của cái lôgích nhân loại và ý nghĩa của cái có thể xảy ra, nhờ đó chúng ta trở nên một với tinh thần, trí tưởng tượng, lối suy nghĩ và trái tim của Thiên Chúa.
“Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con’” (Lc 17:5- 6). Ở đây Thánh Luca gọi mười hai người đã được Đức Giêsu chọn khúc khởi đầu sứ vụ của Người (x. Lc 6:12-16) là “Tông Đồ”. Có nghĩa là “được sai đi”. Trong khi các sách Tin Mừng khác chỉ sử dụng thuật ngữ ngày một lần duy nhất để chỉ về nhóm cụ thể các môn đệ này của Đức Giêsu, Luca sử dụng từ “tông đồ” sáu lần trong sách Tin Mừng của ngài và hai mươi tám lần trong sách Công vụ Tông Đồ. Hội Thánh sơ thời ý thức rằng đặc quyền của Nhóm Mười Hai này là không thể chuyển nhượng; tính xác thực về sự uỷ nhiệm và sứ mạng của họ được dựa trên sự chọn lựa của chính Đức Giêsu. Người đã chọn và sai họ đi. Vì thế những tông đồ ấy là những chứng nhân chính thức cho Tin Mừng về Chúa Phục Sinh! Và theo nghĩa này, họ sẽ phải có đủ đức tin vào Người. Họ là những chứng nhân ưu việt về những lời giảng dạy và những phép lạ của Đức Giêsu (x. Lc 18:31), và đồng thời họ cũng là những con người mỏng dòn như tất cả chúng ta, cũng có những hoài nghi và thiếu lòng tin (x. Lc 24:11.25.38-39). Đó là lý do của lời cầu xin họ dâng lên Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, “Xin tăng thêm lòng tin cho chúng con”, với niềm tin chắc rằng Người là Thiên Chúa.
Điều này có nghĩa là gì đối với tất cả chúng ta là những người “được sai đi” hôm nay? Chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận rằng chúng ta rất thiếu lòng tin trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới. Có lẽ Đức Giêsu không bảo chúng ta, “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc,’ nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17:6). Do đó, không thể có lòng tin để chuyển núi dời non nếu chúng ta thiếu lòng tin cơ bản vào Đức Giêsu là Chúa, Đức Giêsu phục sinh và đang sống trong Hội Thánh của Người. Có ích gì khi muốn có một đức tin làm được phép lạ trước đám đông, hay có khả năng chữa bệnh, hay có sức mạnh phi thường gây kinh ngạc cho người ngoại giáo và người có đạo hôm nay? Bản thân Đức Giêsu đã từng làm nhiều, rất nhiều phép lạ trước mặt những người đương thời và các tông đồ của Người, nhưng điều đó đã không tăng thêm đức tin cho họ. Điều cốt yếu đối với chúng ta là có lòng khiêm nhường của các tông đồ để xin Chúa không ngừng đến trợ giúp chúng ta. “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” Đây là lời thốt lên của người cha có đứa con bị quỷ ám mắc bệnh động kinh (Mc 9:24; x. Lc 9:37-43). Mỗi khi đến bàn tiệc Thánh Thể, được gặp Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta hãy xin Người ban đức tin cần thiết cho chúng ta để gặp Người trong cuộc sống và trong thế giới của chúng ta. Chỉ có cầu nguyện không ngừng, linh hồn của việc truyền giáo, mới làm cho đức tin chúng ta sống động.
Ngay sau đó (x. Lc 17:5-10), đoạn tường thuật của Tin Mừng Luca đặt chúng ta đối diện với một cảnh được lấy từ đời sống hằng ngày trong nhà để dạy chúng ta về việc tông đồ: dù công việc chúng ta làm có những kết quả tuyệt vời đến đâu, chúng ta vẫn chỉ là đang chu toàn nhiệm vụ được Chúa giao cho. Trong nếp sống hằng ngày vào thời Đức Giêsu, có sự thiết lập rõ ràng những mong đợi của chủ và tớ liên quan đến vai trò của mỗi người. Chủ ra lệnh và đầy tớ thì thi hành. Đầy tớ được yêu cầu chuyển từ công việc đồng áng sang công việc nhà và thậm chí không được nghỉ. Đầy tớ không thể phản đối vì mệt, đói hay khát. Chắc chắn không được hiểu những lời của Chúa Giêsu như là một sự biện minh cho thể chế nô lệ thời xưa; Người chỉ đang sử dụng một thực tế xã hội thời xưa như một ẩn dụ để gợi ý về một sự giống nhau giữa thực tế này với việc chúng ta phục vụ Thiên Chúa.
Khi Đức Giêsu đặt câu hỏi tu từ: “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” Người hỏi đám đông, bao gồm cả chúng ta, và chờ đợi câu trả lời đương nhiên là “Không”. Rồi Đức Giêsu nói tiếp rằng khi chúng ta đã làm tất cả những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta, chúng ta phải thưa với Người, “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm những gì chúng tôi phải làm.” Hình ảnh cực đoan này có ý là một bài học sư phạm để hoán cải người môn đệ truyền giáo về với cái lôgích của đức tin – không phải hiệu quả và lợi ích của việc phục vụ, nhưng là kết quả của đức tin là sự hiệp thông với Chúa Giêsu.
Bằng các lời nói của chúng ta và qua kinh nghiệm hằng ngày, Đức Giêsu đặt chúng ta đối diện với sự thật rằng việc mong đợi phần thưởng thì không tương xứng với thực tại. Tuy nhiên, cái tương xứng ở đây là sự hiểu biết rằng Thiên Chúa là ai và chúng ta mắc nợ Người điều gì. Đức Giêsu muốn chúng ta nhìn nhận rằng Thiên Chúa mong đợi chúng ta một sự cam kết nghiêm túc và chân thành với công việc mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta làm, đó là sứ mạng làm cho Đức Kitô được biết đến trong thế giới.
Hai bài đọc khác của ngày hôm nay mời chúng ta suy tư về các chủ đề đức tin và việc phục vụ Thiên Chúa này, nhưng từ hai viễn tượng khác. Sách ngôn sứ Khabacúc, được viết một thời gian ngắn trước khi dân Do Thái bị lưu đày xa quê hương vào thế kỷ 6 trước C.N., kêu cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa giữa cảnh phá phách và bạo tàn. Đáp lại, Thiên Chúa tuyên bố rằng một số kẻ nghênh ngang tự đắc mặc dù họ không có sự “công chính”, trong khi “người công chính sẽ sống bởi đức tin” (Kb 2:4). Khabacúc nhấn mạnh rằng, trái với những kẻ phá phách và bạo tàn, một số người tin tưởng nơi Thiên Chúa. Đây là đức tin đơn sơ và tinh tuyền; đây là cái làm cho họ nên công chính trước mặt Thiên Chúa.
Khi Phaolô gặp Đức Giêsu Phục Sinh, cách hiểu về đức tin của Khabacúc đã được biến đổi. Ngài bắt đầu biết được những cách thức phi thường của Thiên Chúa khi yêu thương chúng ta, khoảng cách mà Thiên Chúa đã vượt qua để đưa chúng ta trở về với mối quan hệ đúng đắn với Người. Phaolô thấy rằng sự tin tưởng vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa cũng hoạt động trên chúng ta, trong Đức Giêsu Kitô. Phaolô đã khám phá ra chính sự tự do và đức tin trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, và nó thúc đẩy ngài và mọi tín hữu sau ngài đi ra thế giới để làm cho mọi người biết tin mừng về tình yêu tái sinh của Thiên Chúa, và loan báo cuộc Phục Sinh cứu độ của Chúa Giêsu.
Cách nhìn mới của đức tin về các sự vật được tập trung vào Đức Kitô. Tin vào Đức Kitô đem lại ơn cứu độ bởi vì nơi Người cuộc sống của chúng ta được mở ra một cách triệt để cho một tình yêu đi trước chúng ta, một tình yêu biến đổi chúng ta từ bên trong, hành động trong chúng ta và qua chúng ta. Điều này được thấy rõ ràng trong cách chú giải của Phaolô về một bản văn từ sách Đệ Nhị Luật, một chú giải phù hợp với trọng tâm của sứ điệp Cựu Ước. Ông Môsê nói với dân rằng lệnh truyền của Thiên Chúa không ở quá cao cũng không ở quá xa chúng ta. Không cần phải nói: “Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi?”, hay “Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi?” (Đnl 30:11-14). Phaolô giải thích sự gần gũi của lời Thiên Chúa bằng sự hiện diện của Đức Kitô trong các Kitô hữu. “Ðừng tự hỏi: ‘Ai sẽ lên trời?’ (ngụ ý là: để đem Ðức Kitô xuống), hay ‘Ai sẽ xuống âm phủ?’ (ngụ ý là: để đưa Ðức Kitô lên từ cõi chết)” (Rm 10:6-7). Đức Kitô đã xuống trần gian và đã sống lại từ cõi chết; bằng việc nhập thể và phục sinh của Người, Con Thiên Chúa đã ôm ấp toàn thể đời sống và lịch sử loài người, và bây giờ đang ở trong lòng chúng ta nhờ Thánh Thần. Đức tin biết rằng Thiên Chúa đã đến gần chúng ta, Đức Kitô đã được ban cho chúng ta như một ân huệ lớn lao nhằm biến đổi bên trong chúng ta, cư ngụ trong chúng ta và nhờ đó ban cho chúng ta ánh sáng chiếu soi nguồn gốc và chung cuộc của sự sống.
Do đó chúng ta thấy được sự khác biệt mà đức tin tạo ra cho chúng ta. Những ai tin thì được biến đổi bởi tình yêu mà họ đã mở lòng mình ra cho trong đức tin. Nhờ sự mở lòng cho món quà tình yêu nguyên thuỷ này, cuộc sống họ được mở rộng và triển nở. “Không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Ðức Kitô ngự trong tâm hồn” (Ep 3:17). Sự ý thức về mình của người tín hữu bây giờ được mở rộng bởi vì sự hiện diện của một người khác; bây giờ sự tự thức ấy sống trong người khác này và vì vậy, trong tình yêu, sự sống mang lấy một hơi thở hoàn toàn mới. Ở đây chúng ta thấy Chúa Thánh Thần hoạt động. Người Kitô hữu có thể nhìn bằng con mắt của Đức Giêsu và chia sẻ tinh thần của Người, thái độ con thảo của Người, vì họ được chia sẻ tình yêu của Người là chính Thần Khí. Trong tình yêu của Đức Giêsu, chúng ta một cách nào đó nhận được cái nhìn của Người. Nếu không nên giống Người trong tình yêu, không có sự hiện diện của Thần Khí, thì không thể tuyên xưng Người là Chúa (x. 1 Cr 12:3). (ĐGH Phanxicô, Lumen Fidei, 20-21).
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng