Với khẩu hiệu “Các trẻ nữ, không phải cô dâu; các phụ nữ, không phải nô lệ”, trong 15 năm qua, cha Sergio Targa đã dấn thân chống lại hiện tượng cô dâu trẻ em ở Bangladesh
Phụ nữ Bangladesh (AFP or licensors)
Cha là người sáng lập “Kisori Ghoton Prokolpo”, chương trình đào tạo thanh thiếu niên, có trụ sở tại Satkhira, trong vùng phân chia của Khulna, phía tây nam đất nước. Cha nói: “Chúng tôi muốn trao ban lòng nhân đạo, nhân phẩm và tôn trọng cho các trẻ nữ. Chúng tôi muốn các em học cách hiểu giá trị của bản thân và các em không phải là hàng hóa. Chúng tôi muốn khích lệ các em, giúp các em tự hào mình là phụ nữ và như thế không phải tuân theo khuôn mẫu gia trưởng đã thấm vào xã hội”.
Từ 24 năm qua, cha Sergio là một nhà truyền giáo ở Bangladesh. Với chương trình này, cha đấu tranh cho các hoạt động giáo dục trẻ nữ và chống lại những cuộc hôn nhân sớm vẫn còn xảy ra rất thường xuyên tại quốc gia này. Cha nói: “Thường thì cha mẹ không cho con gái của họ đi học vì nghĩ rằng nếu cho các em đi học thì đây là một khoản đầu tư sẽ bị mất. Đối với các cha mẹ ở Bangladesh khi một thiếu nữ kết hôn, gia đình chẳng được hưởng gì cả, họ không giúp phần thu nhập cho gia đình. Hậu quả là các em sẽ kết hôn với những người đàn ông lớn tuổi hơn mình, và cuối cùng sẽ trở thành nô lệ của gia đình nhà chồng”.
Mới đây, Save the Children, một tổ chức bác ái trợ giúp trẻ em ở nhiều nước trên thế giới đã cho công bố con số những trẻ thơ bị từ chối ở Bangladesh. Trong bản báo cáo thường niên lần thứ ba, tổ chức cho biết 32,4% thanh thiếu niên đã kết hôn; trong số này 84,4% đã thành mẹ trước tuổi 19. Hơn thế nữa, khoảng 17,4% trẻ em nghỉ học ngay những năm học đầu tiên.
Cha Sergio giải thích về vấn đề kết hôn sớm nhiều hay ít tùy thuộc những cộng đồng tạo nên đất nước. Số dân chiếm đa số, khoảng 98% là dân tộc Bengal và 2% là bộ lạc. Trong cộng đồng dân tộc Bengal, người ta có xu hướng kết hôn người cùng dân tộc mình.
Cha cho biết thêm: tại đây còn có một xu hướng có các cuộc hôn nhân giữa những thiếu nữ trẻ và người đàn ông lớn tuổi, ít nhất cũng hơn từ 15 đến 20 tuổi. Nguồn gốc của truyền thống này bắt nguồn từ Luật Manu, một hiệp ước cổ xưa có từ thế kỷ II trước công nguyên. Theo luật này, nhiệm vụ của người cha trong gia đình là phải gả con gái ngay khi tới tuổi dậy thì. Nếu trong nhà có một thiếu nữ tuổi 11 hoặc 12 chưa kết hôn, đó là lỗi của người cha. Tới bây giờ ý tưởng này vẫn còn.
Ngoài ra còn có những lý do khác ủng hộ truyền thống này. Trước hết, đó là danh dự: nếu một thiếu nữ còn ở trong nhà, nguy cơ thiếu nữ này sẽ trốn với chàng trai cùng lứa tuổi, điều này làm mất thanh danh không chỉ cho gia đình mà còn cho cả nhóm dân tộc. Thứ hai liên quan đến của hồi môn: người thiếu nữ càng lớn thì người cha phải trả tiền hồi môn cho gia đình chú rể nhiều hơn.
Hậu quả: thiếu nữ trở thành nô lệ cho chồng và cả cha mẹ chồng. Cha Sergio nhấn mạnh rằng thảm kịch này rất khó xóa bỏ, bởi vì trên cơ sở này toàn bộ hệ thống gia trưởng trong xã hội tồn tại và được củng cố, và chẳng ai quan tâm đến việc thay đổi tình trạng này.
Thực ra, không phải mọi người đều muốn phủ nhận quyền của các trẻ nữ; quyền được sống đúng với nhân phẩm. Chính vì điều này mà cha Sergio đã thiết lập chương trình giáo dục cho trẻ vị thành niên. Cha nói: “Chúng tôi làm việc với một nhóm người mà trước đây đã từng là nạn nhân. Có hai phụ nữ lớn tuổi đến các làng tìm gặp các thiếu nữ cần được giúp đỡ. Kế hoạch của chúng tôi là hổ trợ kinh tế cho 120 thiếu nữ tuổi từ 11 đến 15. Chúng tôi giúp các em trong làng, và cứ khoảng 2 tháng một lần chúng tôi gặp các em để nhận định tình hình. Chúng tôi cố gắng có những mối tương quan tin tưởng với cha mẹ của các em. Chúng tôi làm như sau: bắt đầu năm mới họ ký với chúng tôi một cam kết không bắt con kết hôn sớm. Đối với họ lời hứa cũng là một danh dự cho nên chúng tôi dựa vào điều này để thực hiện chương trình của chúng tôi”.
Nhà truyền giáo kết luận: “Chúng tôi làm tất cả những điều này để các thiếu nữ nhận thức được giá trị của mình, để hiểu sự hiện hữu của mình, để hiểu rằng có những con đường khác tốt hơn cho con đường kết hôn sớm. Chúng tôi muốn làm cho các em biết ước mơ”.
Ngọc Yến – Vatican