Hôm 30/12, ĐHY Raphael Louis Sako, Thượng Phụ giáo chủ Công Giáo Canđê đã gửi một thông điệp đến các tín hữu ở Iraq và cộng đồng người di cư, trong đó ĐHY đặt câu hỏi: “Trước những thách đố mang tính thời đại về các vấn đề như: người di cư, người bị gạt ra bên lề, chính trị yếu kém, suy giảm nhân khẩu học, luật pháp bất công và trước sự cần thiết của việc thay đổi hiến pháp, không phải đã đến lúc thành lập một nhóm chính trị duy nhất tập hợp các Kitô hữu Iraq?”
Một cử hành phụng vụ tại Iraq
Audio
ĐHY nhắc lại tính ưu việt của các Kitô hữu ở đất nước này, đó là khả năng hòa nhập trong lịch sử. Tuy nhiên, kể từ năm 2003, đất nước đã chứng kiến nhiều thay đổi và các Kitô hữu Iraq đã mất nhiều cơ hội lớn. Thách đố hiện nay cho các Kitô hữu là ở lại Iraq và cải thiện sự hiện diện này, đặc biệt là vào thời điểm đất nước đang tiến tới bầu cử sớm. ĐHY Sako viết: “Trong số các Kitô hữu Iraq, có những nhân vật nổi bật về luật pháp, chính trị, xã hội, kinh tế và truyền thông. Đây là lý do người Kitô hữu cần tham gia vào chính trị để cải thiện tình hình”.
Đối với ĐHY, trước khi quá muộn, cần phải nghĩ đến một chiến lược Kitô giáo thống nhất, mang tên “Nhóm các đảng Kitô giáo” hoặc “Liên minh Kitô giáo”. Cần có “sự ra đời của một ủy ban chuyên gia về luật pháp và chính trị có khả năng thúc đẩy quyền của Kitô hữu, bắt đầu từ Hiến pháp và luật đặc biệt là liên quan đến tình trạng cá nhân, hôn nhân, thừa kế, lương thực. Phải thiết lập Giáng sinh và Phục sinh như các ngày lễ quốc gia, như đối với các ngày lễ của người Hồi giáo. Tạo cơ hội việc làm cho người thất nghiệp và khuyến khích đầu tư cho việc trở lại của những người rời đi”.
ĐHY Sako kết luận: “Là một Giáo hội, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ những mục tiêu này nếu có những người nghiêm túc và chân thành, sẵn sàng thực hiện chúng”. (CSR_7880_2019)
Ngọc Yến – Vatican