24/11/2024
 
 
Trong buổi tiếp kiến ​​chung sáng ngày 2 tháng 9 với sự hiện diện của các tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi hãy suy nghĩ đến giai đoạn phục hồi sau đại dịch về mặt lợi ích chung, tránh “những thay đổi chỉ bề ngoài”.

 

 

Sáng thứ Tư ngày 2 tháng 9, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung đầu tiên có giáo dân tham dự sau 6 tháng chỉ tiến hành trực tuyến do đại dịch virus corona. Buổi tiếp kiến chung cuối cùng có giáo dân tham dự là vào ngày 26 tháng 2. Sau đó từ ngày 11 tháng 3, các buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha được diễn ra trực tuyến tại Thư viện Dinh Tông tòa và không có sự hiện diện của giáo dân.

Đây cũng là lần đầu tiên buổi tiếp kiến chung được tổ chức tại sân Damaso, nằm giữa các tòa nhà của Dinh Tông Tòa, nơi có căn hộ của Đức Thánh Cha cũng như căn hộ của Đức Hồng y Quốc vụ khanh và hai Đức tổng giám mục Phụ tá Quốc vụ khanh Ngoại trưởng Tòa Thánh, và tòa nhà Phủ Quốc vụ khanh. Có khoảng 500 người đã tham dự buổi tiếp kiến này.

Đức Thánh Cha đi xe hơi đến sân Damaso khoảng 10 phút trước khi buổi tiếp kiến bắt đầu. Ngài đi vòng quanh sân, dừng lại trò chuyện với nhiều tín hữu, trong đó có một em bé bị gãy tay, các nữ tu cao tuổi dòng Tiểu muội; ngài trao đổi chiếc mũ trắng với một linh mục; ngài hôn, cầu nguyện và làm phép lá cờ Li-băng được một linh mục mang theo. Tất cả mọi người đều thể hiện sự hân hoan vui mừng được gặp thấy Đức Thánh Cha sau những ngày phải theo dõi trực tuyến. Chính Đức Thánh Cha cũng rất vui và đã nói khi mở đầu bài giáo lý: “Sau nhiều tháng chúng ta tiếp tục lại cuộc gặp gỡ của chúng ta, trực diện chứ không trên màn hình. Thật là tuyệt vời!”

Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhắc rằng khi suy tư về đại dịch hiện nay, chúng ta thấy rằng chúng ta liên kết chặt chẽ với nhau, phụ thuộc vào nhau bởi vì chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng và chia sẻ ngôi nhà chung. Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi đại dịch mạnh mẽ hơn nếu chúng ta cùng nhau hành động. Ngài kêu gọi mọi người kết hợp tình liên đới đích thực với đức tin để chữa lành các tệ nạn xã hội trong thế giới hậu đại dịch. Đức Thánh Cha nói:

Từ phụ thuộc lẫn nhau trở thành lệ thuộc

Đại dịch hiện nay đã làm nổi bật sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta: tất cả chúng ta đều liên kết với nhau, người này với người kia, cả xấu lẫn tốt. Vì vậy, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này tốt hơn, chúng ta phải cùng nhau thực hiện; cùng nhau chứ không một mình; chúng ta không thể làm một mình. Tất cả chúng ta phải liên đới với nhau. Đây là từ ngữ mà hôm nay tôi muốn nhấn mạnh: đó là liên đới.

Là một gia đình nhân loại, chúng ta có cùng chung nguồn gốc từ Thiên Chúa; chúng ta sống trong một ngôi nhà chung, hành tinh-ngôi vườn, trái đất mà Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào đó; và chúng ta có một đích đến chung trong Đức Ki-tô. Nhưng khi chúng ta quên tất cả những điều này, sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta trở thành sự lệ thuộc của một số người vào những người khác, chúng ta đánh mất sự hài hòa của việc phụ thuộc lẫn nhau và liên đới và chúng ta trở thành lệ thuộc – lệ thuộc vào một số người, vào những người khác, làm gia tăng sự bất bình đẳng và việc gạt ra bên lề xã hội; cấu trúc xã hội suy yếu và môi trường bị suy thoái.

“Ngôi làng toàn cầu”

Do đó, nguyên tắc liên đới hiện nay cần thiết hơn bao giờ hết, như thánh Gioan Phaolô II đã dạy (x. TĐ. Những quan tâm về xã hội, 38-40). Trong một thế giới liên kết, chúng ta cảm nghiệm được đâu ý nghĩa của việc sống trong cùng một “ngôi làng toàn cầu”;  thành ngữ này thật hay đúng không? Thế giới to lớn không phải là điều gì khác hơn là một ngôi làng toàn cầu, bởi vì tất cả nối kết với nhau, tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng biến sự phụ thuộc lẫn nhau này thành sự liên đới. Có một con đường dài giữa sự phụ thuộc lẫn nhau và tình. Ngược lại, tính ích kỷ – cá nhân, quốc gia và của các nhóm quyền lực – và sự cứng nhắc về ý thức hệ bồi bổ cho “các cấu trúc tội lỗi” (ibid., 36).

Liên đới không chỉ là giúp đỡ nhưng còn là công lý

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng từ ngữ “liên đới” đã bị hao mòn đôi chút và đôi khi bị hiểu sai, nhưng nó ám chỉ nhiều hơn là một vài hành động quảng đại hiếm hoi. Nhiều hơn thế! Nó đòi hỏi phải tạo ra một tâm thức mới; một tâm thức mới nghĩ về khía cạnh cộng đồng, về ưu tiên cuộc sống của mọi người hơn là sự chiếm đoạt của cải của một số người ”(Tông huấn Tin Mừng sự sống, 188). ). Điều này nghĩa là liên đới. Đó không chỉ là vấn đề giúp đỡ người khác – thật tốt khi làm điều này; nhưng còn hơn thế nữa –: đó là vấn đề về công lý (x. Giáo lý của Giáo hội Công giáo, 1938-1940). Để sự phụ thuộc lẫn nhau có tính liên đới và có kết quả, nó cần đâm rễ sâu trong con người và trong tự nhiên được Thiên Chúa tạo dựng, cần sự tôn trọng các khuôn mặt và trái đất.

Tháp Babel: muốn đạt mục tiêu bằng cách không quan tâm đến người khác

Đức Thánh Cha suy tư về tường thuật tháp Babel: Ngay từ đầu, Kinh Thánh đã cảnh báo chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về câu chuyện tháp Babel (x. St 11,1-9); nó mô tả điều xảy ra khi chúng ta cố gắng lên đến trời – nghĩa là mục tiêu của chúng ta –  bằng cách bỏ qua mối liên hệ với con người, với tạo vật và với Đấng Tạo Hóa. Đó là một cách nói. Điều này xảy ra mỗi khi một người muốn leo lên, leo lên mà không quan tâm đến người khác. Chúng ta hãy nghĩ đến ngọn tháp. Chúng ta xây dựng các tòa tháp và các tòa nhà chọc trời, nhưng chúng ta phá hủy cộng đồng. Chúng ta liên kết các dinh thự và ngôn ngữ, nhưng lại làm cho sự phong phú văn hóa bị mất đi. Chúng ta muốn trở thành chủ nhân của Trái đất, nhưng chúng ta  hủy hoại sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Tôi đã nói với anh chị em trong một buổi tiếp kiến khác về những ngư dân ở San Benedetto del Tronto. Họ đã đến đây năm nay và họ nói với tôi: “Chúng con đã loại bỏ 24 tấn rác thải từ biển, một nửa trong số đó là nhựa”. Nhưng anh chị em hãy nghĩ xem! Họ có kinh nghiệm đánh bắt cá – vâng – nhưng họ cũng thu rác thải và đưa chúng ra ngoài để làm sạch biển. Điều này đang hủy hoại trái đất, không có sự liên đới với trái đất vốn là một món quà và sự cân bằng sinh thái.

“Hội chứng tháp Babel”

Tôi nhớ một câu chuyện thời trung cổ mô tả “hội chứng tháp Babel”, nghĩa là khi không có sự liên đới. Câu chuyện thời trung cổ kể rằng, trong quá trình xây dựng tháp, khi một người đàn ông ngã xuống và chết, không ai nói gì. Cùng lắm người ta nói: “Tội nghiệp, ông ta trượt chân và ngã.” Ngược lại, nếu một viên gạch rơi xuống, mọi người sẽ phàn nàn. Nếu ai đó sai lỗi thì sẽ bị phạt! Vì sao? Bởi vì một viên gạch tốn tiền để làm, để chuẩn bị, để nung, vv.. Phải mất thời gian và công sức để làm ra những viên gạch. Một viên gạch đáng giá hơn mạng người. Mỗi người chúng ta hãy nghĩ về những điều xảy ra ngày nay. Thật không may, ngày nay, một điều gì đó tương tự cũng có thể xảy ra. Một phần của thị trường tài chính suy giảm – chúng ta thấy điều này trên báo chí những ngày này –  và tin này được đưa tin trên tất cả các hãng tin. Hàng ngàn người đang chết vì đói, vì đau khổ nhưng không ai nói về họ.

Lễ Ngũ Tuần là câu trả lời và phản đề của câu chuyện tháp Babel 

Lễ Ngũ tuần hoàn toàn trái ngược với câu chuyện tháp Babel (x. Cv 2,1-3). Đức Thánh Cha nói: Chúa Thánh Thần, xuống từ trời như gió và lửa, bao trùm cộng đoàn đang đóng kín trong nhà Tiệc Ly, đổ tràn sức mạnh của Thiên Chúa, thúc đẩy họ đi ra và loan báo về Chúa Giê-su Ki-tô cho tất cả mọi người. Chúa Thánh Thần tạo ra sự hiệp nhất trong đa dạng, kiến tạo sự hài hòa. Trong câu chuyện tháp Babel không có sự hòa hợp; ở đó có sự phát triển để thu lợi. Ở đó chỉ có công cụ đơn thuần, hay chỉ là “lực lượng lao động”, nhưng ở đây, trong biến cố lễ Ngũ tuần, mỗi người chúng ta là một công cụ, nhưng là công cụ cộng đồng, tham gia với toàn thể con người mình vào việc xây dựng cộng đồng. Thánh Phanxicô Assisi biết rõ điều này, và được Chúa Thánh Thần soi sáng, ngài đã gọi tất cả mọi người, thực sự là tất cả các tạo vật, là anh, chị, em (x. LS, 11; x. SAN BONAVENTURA, Legenda maior, VIII, 6: FF 1145).

Sự đa dạng liên đới chữa lành các hệ thống bất công

Với Lễ Hiện Xuống, Thiên Chúa đến hiện diện và khơi dậy đức tin của cộng đoàn hiệp nhất trong sự đa dạng và liên đới. Sự đa dạng và liên đới được hiệp nhất trong sự hòa hợp, đây là con đường. Một sự đa dạng liên đới sở hữu những “kháng thể” để sự đơn nhất của mỗi người – vốn là một món quà, duy nhất và không thể lặp lại – không mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ. Sự đa dạng liên đới cũng sở hữu các kháng thể để hàn gắn các cấu trúc và quy trình xã hội đã bị suy thoái thành các hệ thống bất công và áp bức, đã trở thành các hệ thống áp bức (x. Tóm tắ Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 192). Vì vậy, ngày nay, liên đới là con đường để hướng tới một thế giới hậu đại dịch, hướng tới việc chữa lành các căn bệnh xã hội và liên cá nhân của chúng ta. Không có con đường khác. Hoặc chúng ta bước tiếp trên con đường kiên đới hay sự việc sẽ tệ hơn. Tôi muốn nhắc lại: chúng ta không thể thoát khỏi khủng hoảng mà vẫn như cũ. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng. Chúng ta sẽ ra khỏi đại dịch tốt hơn hoặc tệ hơn. Chúng ta phải chọn. Và liên đới chính là con đường để thoát khỏi đại dịch tốt hơn, không phải với sự thay đổi bên ngoài, với một lớp sơn như thế này và mọi thứ đều ổn.

Biến chuyển tình yêu của Thiên Chúa vào nền văn hóa toàn cầu hóa

Cuối cùng Đức Thánh Cha khuyến khích: Giữa khủng hoảng, một sự liên đới được hướng dẫn bởi đức tin cho phép chúng ta biến chuyển tình yêu của Thiên Chúa vào nền văn hóa toàn cầu hóa của chúng ta, không phải bằng cách xây dựng những ngọn tháp hay bức tường ngăn cách rồi sụp đổ, nhưng bằng cách kết nối các cộng đồng và hỗ trợ các quá trình phát triển thực sự nhân bản và vững chắc. Tình liên đới sẽ giúp ích cho điều này. Tôi đưa ra một câu hỏi: tôi có nghĩ đến các nhu cầu của tha nhân không? Mỗi người hãy trả lời trong tâm lòng mình.

Giữa những khủng hoảng và bão táp, Chúa đặt câu hỏi cho chúng ta và mời gọi chúng ta thức tỉnh và kích hoạt sự liên đới có thể mang lại sự vững chắc, sự nâng đỡ và ý nghĩa cho những giờ phút này khi mọi thứ dường như bị đắm chìm. Ước gì sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần khuyến khích chúng ta tạo ra những hình thức mới của lòng hiếu khách trong gia đình, của tình huynh đệ phong phú và của tình liên đới phổ quát.

Hồng Thủy – Vatican News