Trong nhiều năm, bà Antonia Willemsen là tổng thư ký của Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” (ACN). Và năm nay, ở tuổi 80 bà tóm tắt về sự dấn thân trong tổ chức này như sau: “Điều không có trong kế hoạch, không dự tính, đã xảy ra với tôi”.

 

Giáo hội đau khổ  (embargoed until 12th October)

 

Bà Antonia sinh ngày 11 tháng 5 năm 1940 tại Eindhoven, một ngày sau khi lực lượng chiến đấu (Wehrmacht) của Đức xâm chiếm Hà Lan. Thực tế này là một điềm báo mạnh mẽ cho sứ vụ sau này của bà: dấn thân cho các hoạt động hòa giải với những kẻ thù của quá khứ.

Ơn gọi vì các tín hữu bị bách hại

Cha Werenfried van Straaten, người sáng lập Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” là người họ hàng với bà Antonia. Chính cha Werenfried là người đồng hành và truyền cảm hứng dấn thân phục vụ cho bà. Bà là cách tay phải của cha, là người tri kỷ và “bạn đồng hành” trong gần nửa thế kỷ. Thật vậy, từ bé, bà Antonia không chỉ được đánh động từ những chuyến viếng thăm đến gia đình của các vị tu sĩ cao lớn mặc áo dòng trắng, mà còn từ năng lực của người họ hàng này.

Năm 1960, bà Antonia bắt đầu tham gia hoạt động bác ái cho Tổ chức “Trợ giúp các linh mục phương Đông”, tên của tổ chức nhân đạo vào thời điểm đó. Sau khi được chuyển đến Roma, Tổ chức bắt đầu mở rộng sự hỗ trợ cho các Kitô hữu từ các nơi khác trên thế giới. Nam Mỹ trở thành một trong những nơi làm việc đầu tiên của bà Antonia, và sớm biến thành niềm đam mê cho cả cuộc đời bà.

Sau mười năm, bà Antonia trở về quê nhà, lòng nhiệt thành đối với hoạt động bác ái ngày càng kiên vững. Lúc này tình yêu dành cho Tổ chức “Trợ giúp cho Giáo hội đau khổ” trở nên mạnh mẽ hơn. Vào năm 1972, bà trở thành thư ký của Tổ chức.

Trong 30 năm phục vụ cho Tổ chức “Trợ giúp cho Giáo hội Đau khổ” trong vai trò tổng thư ký, bà Antonia đã thiết lập các mối tương quan trợ giúp cho các Giáo hội bị kết án im lặng, và mở ra các cơ hội giúp đỡ cho các Giáo hội ở những nơi mà chế độ độc tài và chiến tranh đã bằng mọi cách ngăn chặn.

Dấn thân trong lãnh vực truyền thông Công giáo

Trong hoạt động nhân đạo, bà Antonia còn quan tâm đến một lãnh vực khác cũng rất quan trọng đó là truyền thông Công giáo. Dưới sự lãnh đạo của bà Antonia, Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ” đã phát triển một nỗ lực truyền thông sống động. Trong một thời gian, bà là chủ tịch của “Mạng lưới phát thanh và truyền hình Công giáo” (CRTN), ngày nay vẫn truyền bá những lời chứng về các cuộc bách hại các Kitô hữu và cung cấp hỗ trợ cho đời sống tâm linh trên toàn thế giới.

Sau những thay đổi ở Đông Âu, Tổ chức do bà Antonia lãnh đạo trợ giúp âm thầm cho những công trình tái thiết rất vất vả nhưng đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Chính điều này đã đem lại sự hòa giải với Giáo hội Chính thống Nga, điều mà Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II rất mong muốn do những chống đối không những bên ngoài và cả bên trong. Bà Antonia đã giúp giải quyết vấn đề này với lòng can đảm và quyết tâm.

Trong chủng viện Hy Lạp-Công giáo mới được xây dựng ở Ucraina, đại diện cho một trong những dự án lớn của Tổ chức “Trợ giúp cho Giáo hội Đau khổ”, có một phòng trưng bày dành cho “Bà Antonia Willemsen”, thu thập những bức ảnh trong các chuyến thăm, khai trương hoặc khánh thành. Đó là lòng biết ơn của các đối tác dự án, của các giám mục, linh mục và tu sĩ dành cho bà Antonia, mặc dù bà không muốn điều này được thực hiện.

Mục vụ trợ giúp như một nhiệm vụ suốt đời

Năm 2005, hai năm sau cái chết của cha Werenfried, nhiệm kỳ tổng thư ký của Antonia Willemsen kết thúc, nhưng điều này không có nghĩa là việc dấn thân cho các Giáo hội đang gặp thử thách của bà chấm dứt. Từ năm 2006 đến 2014, bà là chủ tịch tự nguyện của bộ phận Đức “Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ”. Ở vị trí nay bà giúp xây dựng một phòng thu truyền hình cho hoạt động truyền giáo, cũng như tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa Đức Hồng Y Kurt Koch và Đức Tổng giám mục Hilarion Alfeyev của Chính thống Nga tại hội nghị “Meeting Place World Church”, năm 2011.

Trong ngày sinh nhật lần thứ 80, khi được yêu cầu chia sẻ cảm nghĩ về Giáo hội, bà Antonia Willemsen nói: “Giáo hội không được trở thành một hòn đảo. Giáo hội phải tỏa sáng”. Và đúng như lời xác quyết và ý thức là thành phần của Giáo hội, mặc dù tuổi đã cao bà vẫn tiếp tục hoạt động để mong muốn qua đóng góp của bà, Giáo hội được tỏa sáng.

Ngọc Yến – Vatican News