23/11/2024

Hôm 20/10, ông Joko Widodo chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tại Indonesia hôm 17/04 vừa qua.

Audio

Các giám mục Indonesia đã diễn tả sự ủng hộ và kỳ vọng của mình đối với chính phủ mới của ông Widodo để thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới, bắt đầu với việc bảo vệ năm nguyên tắc Pancasila được ghi trong Hiến pháp (đức tin vào một Thiên Chúa tối cao; công bằng và dân sự; đoàn kết; dân chủ lãnh đạo bằng sự khôn ngoan; công bằng xã hội).

Bình đẳng trong xã hội

Đức cha Petrus Canisius Mandagi, giám mục Amboina và giám quản tông toà tổng giáo phận Merauke (Papua) cho biết: “Tổng thống Widodo và phó tổng thống Ma’aruf được yêu cầu bảo vệ Pancasila và sự thống nhất của Indonesia; không có ý thức hệ nào khác ngoài Pancasila. Chính quyền mới của Indonesia phải thực hiện quản trị trong sạch, tránh thỏa hiệp với những kẻ tham nhũng và áp dụng đúng luật pháp không có những ưu tiên.” Đức cha cũng bày tỏ thêm: “Nội các mới cần chú ý và quan tâm nhiều hơn đến đồng bào ở vùng cực đông của đất nước, vì sự bình đẳng của quốc gia trong phúc lợi xã hội. Các vấn đề của Papua [từ nhiều năm, lực lượng ly khai hoạt động mạnh mẽ] nên được giải quyết không phải bằng các biện pháp quân sự, mà bằng tình yêu và lòng trắc ẩn”.

Chống lại nạn tảo hôn

Đối với Đức cha Yan Olla, giám mục giáo phận Tanjung Selor hẻo lánh thuộc tỉnh Bắc Kalimantan (Borneo), trong số các ưu tiên của chính phủ mới, cần phải có cuộc chiến chống lại nạn tảo hôn, trong đó phụ nữ là nạn nhân. Đức cha nói: “Chúng tôi rất lo lắng vì sự lây lan của hiện tượng hôn nhân trẻ em với các bé gái từ 14 đến 18 tuổi. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là có các tình nguyện viên tìm các nguồn lực cần thiết để đảm bảo cho chúng tiếp cận với giáo dục đại học. Tuy nhiên, chúng tôi không thể chỉ dựa vào sự giúp đỡ tài chính của Giáo hội và các ân nhân địa phương. Chính phủ cần thực hiện một điều gì đó.”

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Widodo cam kết phát triển nguồn nhân lực của đất nước; đưa Indonesia trở thành một trong năm nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2045, cải cách bộ máy quan liêu không hiệu quả và tham nhũng, đồng thời cải cách hệ thống luật pháp lỗi thời cản trở sự phát triển của quốc gia. (CSR_6207_2019)

Văn Yên, SJ – Vatican News