10/09/2024

Sau hai ngày (15 và 16/6/2020) tham dự khóa cập nhật về các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ khủng bố dành cho các giới chức liên hệ, hôm 17/6/2020, Cơ quan Thông tin Tài chính (AIF) và Văn phòng Tổng Kiểm toán Vatican đã ký kết một bản ghi nhớ.

 

 

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết việc ký kết diễn ra giữa tiến sĩ Carmelo Barbargallo, chủ tịch Cơ quan Thông tin Tài chính và tiến sĩ Alessandro Cassinis Righini, Tổng kiểm toán viên.

Cũng theo Phòng Báo chí Tòa Thánh, tài liệu được ký kết nhằm tăng cường hợp tác giữa hai cơ quan trong việc chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tham nhũng. Sự hợp tác bền chặt giữa hai cơ quan cũng nhắm đến các cuộc họp định kỳ ở cả cấp chiến lược và hoạt động như một phương tiện để đáp ứng mục tiêu đã đề ra.

Bản ghi nhớ sẽ giúp hai cơ quan hoàn thành tốt hơn các vai trò được giao, đối với Cơ quan Thông tin Tài chính là cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, còn đối với Văn phòng Tổng Kiểm toán là cuộc chiến chống tham nhũng.

Trước đó, trong hai ngày 15 và 16/6, Vatican đã tổ chức khóa học cập nhật cho những người đang làm việc liên quan đến cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Trong dịp này, ông Carmelo Barbargallo khẳng định: “Đối với kinh tế, thời điểm hiện nay rất phức tạp, và trong tương lai có lẽ càng phức tạp hơn. Vì thế, chúng ta cần làm sao để sứ mạng quan trọng của Giáo hội được tiến hành, đồng thời những quân bình về kinh tế cũng là điều quan trọng, với việc tuân giữ các quy luật, nhất là những quy luật nhắm chống nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố; đây là một khía cạnh hết sức quan trọng”.

Ông Bargaballo nhận xét, vì cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến virus corona, tổ chức An ninh và cộng tác Âu châu, gọi tắt là OSCE, dự báo tổng sản lượng nội địa (GDP) sẽ giảm 6% trong năm 2020, nhưng nếu có đợt dịch lây nhiễm thứ hai, thì mức suy sụp sẽ lên tới 7,6%, trên quy mô toàn cầu. Tại Liên hiệp Âu châu, mức độ suy giảm tổng sản lượng là gần 8%.

Chủ tịch Cơ quan Thông tin Tài chính lưu ý: “Trong thời kỳ khủng hoảng này, tội phạm sẽ lợi dụng tình thế để len lỏi vào các hệ thống kinh tế, và tìm cách tiếp xúc với những đối tượng yếu hơn, đề nghị các giao dịch bằng tiền mặt. Vì thế, đây là thời điểm phải cảnh giác nhiều hơn”.

Ông Bargaballo cũng xác định: “Các quy luật của Vatican phù hợp với các quy luật của các nước trên thế giới. Gần đây, các quy luật này cũng được cập nhật, đặc biệt là trong vấn đề đấu thầu, các quy luật đó đạt tới mức tiên phong”.

Trong khóa cập nhật, ông Federico Antellini Russo, Phó giám đốc Cơ quan Thông tin Tài chính còn cho biết quy định của Vatican tiến triển mỗi năm, vì không những để ý đến các tiêu chuẩn Âu châu, nhưng cả những đặc tính quyền tài phán Vatican nữa. Tòa Thánh cũng đã thực hiện những bước tiên phong so với những gì xảy ra ở Âu châu. Ví dụ, trong khóa cập nhật này, Ủy ban an ninh tài chánh của Vatican đã quyết định không chỉ quan tâm đến việc đào tạo, nhưng còn chú ý đến hình thức phòng ngừa, ý thức và hỗ trợ cho các giới chức trách nhiệm của Tòa Thánh, của Quốc gia thành Vatican nữa. Điều này có nghĩa là họ cũng có nghĩa vụ phải trình báo những hoạt động khả nghi với Cơ quan thông tin tài chánh”.

Ngọc Yến – Vatican News