Sài Gòn đã trải qua 71 ngày giãn cách xã hội theo nhiều mức độ khác nhau và tiếp tục giãn cách cho đến cuối tuần này (15/08). Rất có thể Sài Gòn phải tiếp tục giãn cách vì tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm.
Chắc chắn đời sống của các Kitô hữu tại Việt Nam nói chung và Sài Gòn có nhiều xáo trộn. Từ hồi đầu mới giãn cách, anh chị em Kitô hữu than thở nhiều vì không được đến nhà thờ, không được tham dự thánh lễ đông người, nhớ lời kinh tiếng hát, nhớ và nhớ rất nhiều thứ. Một bạn trẻ tân tòng, hiện đang làm trưởng ban ca thiếu nhi trong một họ đạo thuộc giáo phận Xuân Lộc gần như tóm tắt tất cả những nỗi nhớ vào một bài thơ: Chúa ơi, con nhớ! (*) Bản thân tôi đã xin bạn trẻ đó sửa một từ và nhờ Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam thiết kế hình ảnh để đăng lên mạng xã hội. Mục tiêu là để chia sẻ với mọi người và khơi lên tâm tình đức tin trong sáng trong thời gian giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, sau Chúa nhật hôm qua (08/08/2021) – Chúa nhật XIX Thường Niên năm B, hôm nay tự nhiên tôi muốn hỏi: hôm qua, anh chị em có dự lễ trực tuyến một cách sốt sáng và đầy đủ không? Câu hỏi có vẻ bâng quơ vì một nỗi e sợ, sợ rằng vì dịch bệnh và giãn cách quá lâu, đời sống đức tin, mà cụ thể là việc tham dự thánh lễ dù trực tuyến, việc đọc kinh cá nhân và gia đình có thể bị suy giảm chăng? Nếu sự thật này đang tản mạn đâu đó trong tâm hồn chúng ta, có lẽ chúng ta cần đặt ra một câu hỏi: lý do gì khiến chúng ta chán nản, thậm chí muốn buông xuôi? Có phải do tình hình dịch bệnh, những cái chết, khu cách ly tập trung, số lượng người nhiễm không thuyên giảm, mà chúng ta lơ là đời sống đức tin? Có phải những tin tức làm chúng ta hoảng loạn đến độ nó đi vào cả trong giấc mơ và thực tế thì sự tập trung vào việc cầu nguyện ngày càng khó khăn? Tôi không dám đưa ra câu trả lời rõ ràng, nhưng nếu ai để ý Bài đọc I Sách các Vua quyển thứ nhất (1 V 19,4-8) trong Thánh lễ Chúa Nhật hôm qua, về chuyện của ông Êlia trong cuộc hành trình băng qua sa mạc lên núi Khôrếp để gặp Đức Chúa, thì được gợi ý rất nhiều điều tuyệt vời.
Trong hành trình băng qua sa mạc khô cháy, ông Êlia bị mệt và ông than thở cùng Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi ! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con.” (1 V 19,4b) Than xong, ông mệt và ngủ thiếp dưới gốc cây kim tước. Ông Êlia than độc mồm độc miệng như thế đấy nhưng Thiên Chúa lại rất nhẹ nhàng yêu thương. Chúa sai sứ thần đến đụng vào người ông và nói : “Dậy mà ăn !”. Cảnh tượng ấy khiến tôi nghĩ đến hình ảnh của người mẹ! Thiên Chúa như một người mẹ nhẹ nhàng đến bên đứa con đang đói, gọi con dậy và bảo: dậy ăn đi con! Êlia dậy ăn bánh và uống nước, nhưng hình như sự uể oải trong ông chưa hết, ông lại nằm xuống ngủ thiếp đi. Sứ thần lại đến lần thứ hai và bảo: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa.” Êlia lại dậy ăn và uống nước, “rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khôrếp, là núi của Thiên Chúa.” (1V 19,8)
Những ngày dài giãn cách xã hội như là một sa mạc lớn thử thách đời sống đức tin không chỉ với cá nhân các Kitô hữu nhưng toàn thể Hội Thánh. Có những lúc chúng ta mệt nhọc, tưởng chừng như không thể chịu đựng thêm, chúng ta cũng than độc như Êlia: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi ! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi!” Nhưng Đức Chúa yêu thương chúng ta, như một người mẹ xót thương con cái mình đang phải chịu đựng những ngày tháng bi thương. Lòng Thiên Chúa chẳng xốn xang, quặn đau khi gia đình chúng ta có người thân bị nhiễm bệnh, chết vì dịch bệnh, thiếu thốn trăm bề trong các khu cách ly; gia đình mỗi người một nơi, thậm chí đến cả tro cốt cũng không được tôn kính cách đầy đủ. Ngài vẫn nhẹ nhàng thủ thỉ vào tai chúng ta, chẳng phải một lần nhưng sẽ mãi mãi: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa.” Ngoài lương thực nuôi sống thể xác này, còn một thứ lương thực quan trọng hơn nữa, đó là lương thực của đời sống đức tin; là việc tham dự thánh lễ, các giờ cầu nguyện (dù chỉ trực tuyến); các giờ nguyện ngẫm cá nhân cũng như gia đình. Thiên Chúa vẫn có nhiều cách để nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta bởi vì Ngài mới là sức mạnh thực sự của đời sống Kitô hữu. Không chỉ là sức mạnh của tâm trí, của tâm lý, nhưng là sức mạnh thần linh nuôi dưỡng tâm hồn.
Lạy Chúa, thỉnh thoảng chúng con mệt quá và muốn buông xuôi tất cả; thậm chí xin Chúa đến lấy đi mạng sống này! Nhưng chúng con biết, đường còn xa, chúng con vẫn phải tiến lên để băng qua sa mạc trần gian, băng qua những ngày tháng đầy chông gai và khó khăn. Xin Chúa “đụng” vào chúng con để chúng con tỉnh thức, tiếp tục nhận lấy lương thực để làm nên sức mạnh nội tâm của đời sống đức tin. Xin cho tất cả chúng con đừng lơ là, đừng xao nhãng việc bổn phận nuôi dưỡng linh hồn bằng của ăn thiêng liêng là việc cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa và nâng đỡ đời sống đức tin của anh chị em xung quanh chúng con. Amen.
Tu viện DCCT Sài Gòn ngày 09/08/2021
Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT
(*) Xin đăng lại bài thơ “Chúa ơi, con nhớ!” của Celine Bích Ngọc:
Chúa ơi! Con nhớ nhà thờ,
nhớ lời kinh nguyện, nhớ giờ Mân Côi.
Nhớ câu nhạc thánh trên môi,
bình an diệu vợi êm trôi đượm tình.
Nhớ lời Cha giảng Thánh Kinh,
giúp con say mến đức tin vững vàng.
Nhớ khi thử thách gian nan,
lặng quỳ khấn nguyện Chúa ban sức thần.
Nhờ nguồn Thánh Thể hồng ân,
dưỡng nuôi giúp sức đường trần con đi.
Nhớ giờ sinh hoạt thiếu nhi
đố vui giáo lý đua thi tuyệt vời.
Nhưng giờ buồn quá Chúa ơi!!!
Nhà thờ vắng vẻ tiếng cười nơi đâu?
Nỗi buồn phủ bóng chìm sâu,
giáo dân lo lắng mong mau yên bình.
Nguyện xin Thiên Chúa dủ tình,
giúp đoàn con giữa tình hình hiện nay.
Biết luôn tín thác mỗi ngày,
hy sinh cầu nguyện phút giây chẳng rời.
Dịch kia không thể làm trời,
nhờ quyền năng Chúa muôn nơi an bình.
Niềm vui chan chứa muôn nghìn,
nhà thờ lại mở tâm tình yêu thương.