Ngày 19/9, trong buổi gặp gỡ những vị đứng đầu Hội đồng giám mục Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ quan ngại về một dự luật hợp pháp hóa “cái chết êm dịu”, an tử, sắp được Thượng viện Tây Ban Nha thảo luận.

 

Các vị đại diện Hội đồng giám mục Tây Ban Nha yết kiến Đức Thánh Cha 

 

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và các giám mục Tây Ban Nha – trong đó có Đức Hồng y Juan Jose Omella, Chủ tịch Hội đồng giám mục; Đức Hồng y Carlos Osoro, tổng giám mục Madrid và Phó Chủ tịch, và Đức cha Luis Arguello, giám mục phụ tá của Valladolid, kéo dài hơn một giờ.

 Sau buổi yết kiến Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Omella của Barcelona nói với các nhà báo: “Dự luật hợp pháp hóa trợ tử là một vấn đề khiến Đức Giáo Hoàng lo lắng.Tôi tin rằng đó không chỉ là về việc chết hay không chết, mà còn là về nỗi đau và sự đồng hành. Khi một người được điều trị giảm đau và cảm thấy được gia đình và các chuyên gia đồng hành, người ta muốn sống.”

Đức Hồng y Omella cho biết Đức Thánh Cha quan tâm về việc bảo vệ mọi sự sống: “Vấn đề sự sống không chỉ của những người tị nạn, nó là vấn đề của đứa trẻ từ khi ở trong bụng mẹ cho đến khi chết; nó là vấn đề rất đáng quan tâm.”

Trợ tử là “thất bại đối với phẩm giá con người” 

Thượng viện Tây Ban Nha đang chuẩn bị thảo luận về vấn đề an tử. Hồi đầu tháng này, các giám mục Tây Ban Nha đã đưa ra một tuyên bố gọi đây là “sự thất bại đối với phẩm giá con người” và cho rằng việc hợp pháp hóa trợ giúp tự tử sẽ khẳng định một quan điểm sống ích kỷ, xem cái chết là một giải pháp cho các vấn đề.

Nếu dự luật được thông qua, Tây Ban Nha sẽ trở thành quốc gia thứ tư ở châu Âu, sau Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, hợp pháp hóa việc trợ tử. Nước Ý đã không hợp pháp hóa việc này, nhưng vào năm ngoái, tòa án cấp cao của nước này đã ra phán quyết rằng trong những trường hợp “đau khổ về thể chất và tâm lý không thể chịu đựng được” thì việc trợ tử không bị xem là vi phạm pháp luật.

Dự luật của Tây Ban Nha sẽ cho phép người lớn mắc bệnh nan y hoặc những người bị khuyết tật được yêu cầu trợ tử trong hệ thống y tế công cộng. Hiện nay, một người bị phát hiện có liên quan trực tiếp đến cái chết của ai đó thông qua việc trợ tử có thể phải đối mặt với cáo buộc giết người và bị kết án đến 10 năm tù. (Crux 19/09/2020)

Hồng Thủy – Vatican News