Trong bài giảng thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng tình yêu cần phải được thể hiện qua những hành động cụ thể.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về bài đọc thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ, tập trung vào tình yêu. Thánh tông đồ đã hiểu tình yêu là gì, đã kinh nghiệm tình yêu ấy khi đi vào con tim của thầy Giêsu, và ngài hiểu tình yêu ấy tỏ hiện thế nào. Trong bức thư của mình, ngài nói chúng ta phải thương mến nhau thế nào và chúng ta đã được yêu thế nào.

Thiên Chúa yêu chúng ta trước

Trước hết, Đức Thánh Cha nhấn mạnh nền tảng của tình yêu là: chúng ta yêu mến Chúa vì Người yêu chúng ta trước.

Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa: Tôi bắt đầu yêu và có thể bắt đầu yêu vì tôi biết rằng Người yêu tôi trước”. Và nếu Người không yêu chúng ta, chắc chắn chúng ta không thể yêu.

Nếu một em bé vừa mới sinh ra mà biết nói, chắc chắn em bé ấy sẽ nói về một sự thật rằng: mình cảm thấy được cha me yêu thương. Điều mà người cha, người mẹ làm với con mình, thì Thiên Chúa cũng làm như thế với chúng ta: chúng ta được yêu thương trước. Chính điều này làm nảy sinh và tăng trưởng khả năng yêu thương nơi chúng ta. Và đây chính là một định nghĩa rõ ràng về tình yêu: chúng ta có thể yêu Thiên Chúa là bởi Người đã yêu chúng ta trước.

Yêu thương và gian dối

Điều thứ hai mà thánh tông đồ nói rất rõ đó là: “nếu người ta nói: ‘tôi yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối.’” Ngài không gọi người ấy là kẻ thô lỗ, kẻ sai trái, nhưng gọi người ấy là “kẻ nói dối”. Và chúng ta cũng phải học điều này.

Tôi yêu mến Chúa, tôi cầu nguyện, hay thậm chí, tôi xuất thần… và rồi tôi ghét người khác, hoặc đơn giản là tôi thờ ơ, lạnh lùng với người khác… Ngài không nói: bạn sai rồi. Nhưng ngài nói: bạn là kẻ nói dối. Và từ này được nói rất rõ trong Kinh Thánh, lừa dối chính là cách thế của ma quỷ, Kẻ Đại Nói Dối, cha của những kẻ nói dối. Đó chính là định nghĩa về Satan mà Kinh Thánh nói với chúng ta.

Vì vậy, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: nếu bạn nói bạn yêu Chúa nhưng lại ghét anh em mình thì bạn là kẻ nói dối. Không có nhượng bộ nào cho việc này hết.

Nhiều người cố gắng biện minh, tìm ra những lý do khiến mình không yêu thương người khác rằng: thưa cha, con không ghét người ta, nhưng có nhiều người làm con tổn thương lắm, cũng có những kẻ thô lỗ làm con không chấp nhận được.

Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tính chất cụ thể của tình yêu khi nói về điều thánh Gioan đã viết: “Ai không thể yêu người anh em mà mình nhìn thấy, thì không thể nào yêu mến Thiên Chúa là Đấng mà họ không nhìn thấy.”

Nếu bạn không có thể yêu thương từ những người gần nhất đến những người xa nhất, bạn không thể nói với rằng bạn yêu Chúa được: bạn là kẻ nói dối.

Tình yêu phải cụ thể và hàng ngày

Nhưng không chỉ việc ghét người khác là xấu đâu, mà ước muốn không “can dự” vào chuyện của người khác cũng là điều không tốt, vì tình yêu cần phải tự tỏ lộ bằng những việc tốt.

Nếu một người nói: “Để lúc nào cũng sạch sẽ, tôi chỉ uống nước cất thôi”: người ấy sẽ chết! Bởi vì chỉ uống nước cất thì không giúp sống được. Tình yêu đích thực không phải là nước cất: đó phải là thứ nước hàng ngày, với những vấn đề, với cảm xúc, với tình yêu và với thù hận, nhưng nó là thế. Tình yêu cần phải cụ thể: nó không phải là thứ tình yêu trong phòng thí nghiệm. Điều này dạy chúng ta rất nhiều và thánh tông đồ đã nói rất rõ ràng.

Nhưng cũng có một cách không yêu Chúa mà cũng chẳng yêu người thân cận, dù nó rất kín đáo, đó chính là thờ ơ. “Không, tôi không muốn thứ nước này: tôi chỉ muốn nước cất thôi. Tôi không muốn dính líu đến vấn đề của người khác.” Chính bạn cần phải giúp đỡ và cầu nguyện cho người khác.

Và Đức Thánh Cha nhớ tới một câu nói của thánh Alberto Hurtado: “Thật tốt khi không làm điều ác, nhưng thật tệ khi không làm điều tốt.” Tình yêu thực sự cần phải hướng bạn tới điều tốt đẹp, sẵn sàng “làm bẩn tay mình trong những việc làm của tình yêu.”

Nhờ đức tin chúng ta có thể chinh phục thế giới

Và Đức Thánh Cha thừa nhận rằng: Thật không dễ để chiến thắng thứ não trạng “ngăn cản chúng ta yêu thương” của thế giới này, nhưng nhờ đức tin thì có thể.

Con đường đức tin là con đường mà những người thờ ơ và dửng dưng không bước vào, họ rửa tay trước những vấn nạn, không muốn can thiệp và giúp đỡ người khác. Đó là con đường mà những nhà thần bí giả tạo không bước vào, những người chỉ muốn nước cất, những người nói yêu Chúa mà không yêu tha nhân.

Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng lời nguyện rằng: Xin Chúa dạy chúng ta: hiểu rằng mình được yêu trước, và can đảm để yêu anh em mình.

Trần Đỉnh, SJ – Vatican News