15/11/2024

Đức Thánh Cha kêu gọi những người biểu tình có thái độ ôn hòa, tránh bạo lực. Ngài bày tỏ tình liên đới và gần gũi với người tị nạn trên đảo Lesbo. Và ngài kêu gọi quảng đại đóng góp cho cuộc lạc quyên giúp các Ki-tô hữu tại Thánh Địa.

 

Biểu tình tại Israel  (AFP or licensors)

 

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13/09, Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên khắp thế giới trong những tuần gần đây. Ngài nhận định rằng những cuộc biểu tình cho thấy sự thất vọng gia tăng của dân chúng trước tình trạng bất an về chính trị và xã hội.

Kêu gọi người biểu tình

Đức Thánh Cha kêu gọi những người biểu tình “trình bày yêu sách của họ một cách ôn hòa, không rơi vào cám dỗ của tấn công và bạo lực”.

Kêu gọi các nhà lãnh đạo

Ngài cũng kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm với xã hội và các chính phủ “hãy lắng nghe tiếng nói của đồng bào của họ và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của họ, bảo đảm tôn trọng đầy đủ các quyền con người và quyền tự do công dân.”

Kêu gọi các cộng đoàn Giáo hội

Cuối cùng, ngài mời gọi các cộng đồng Giáo hội đang sống trong những bối cảnh này, “dưới sự hướng dẫn của các Mục tử, hãy hành động cho sự đối thoại, luôn ủng hộ đối thoại và ủng hộ hòa giải – chúng ta đã nói về sự tha thứ, hòa giải.

Tình liên đới và sự gần gũi của Đức Thánh Cha với người tị nạn trên đảo Lesbo

Trước đó, Đức Thánh Cha nói đến các trận hỏa hoạn tàn phá trại tị nạn trên đảo Lesbo khiến cho hàng ngàn người nhập cư không có chỗ cư trú. Ngài nhắc lại chuyến viếng thăm đảo Lesbo và lời kêu gọi đã được ngài cùng với Đức Thượng phụ Bartolomeo và Đức tổng giám mục Ieronymos của Athenes, đưa ra để bảo đảm “việc tiếp đón nhân đạo và xứng đáng những người di dân, tị nạn và xin tị nạn ở châu Âu” (16/04/2016). Đức Thánh Cha nói: “Tôi bày tỏ tình liên đới và gần gũi với tất cả các nạn nhân của các thảm kịch này.”

Kêu gọi quảng đại giúp đỡ Ki-tô hữu tại Thánh Địa

Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhắc đến cuộc lạc quyên giúp Thánh Địa, mà năm nay do đại dịch, được hoãn đến Chúa Nhật 13/09. Ngài nói: “Trong bối cảnh hiện tại, cuộc lạc quyên này càng là một dấu hiệu của niềm hy vọng và tình liên đới với những người Kitô hữu đang sống trong Vùng Đất mà Thiên Chúa đã nhập thể, chết và sống lại vì chúng ta. Hôm nay, chúng ta thực hiện một cuộc hành hương thiêng liêng, trong tinh thần, với trí tưởng tượng và với trái tim, đến Giêrusalem, nơi mà như Thánh Vịnh nói, là cội nguồn của chúng ta (x. Tv 87,7), và chúng ta thực hiện một cử chỉ quảng đại cho những cộng đoàn đó.”

Hồng Thủy – Vatican News