24/11/2024

Sáng thứ Sáu 01/5/2020, lễ Thánh Giuse Thợ, Ngày Quốc tế Lao động, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ bên cạnh tượng Thánh Giuse Thợ được đưa đến Vatican vào chiều 30/4 vừa qua. Đây cũng chính là bức tượng được đặt ở quảng trường Thánh Phêrô vào năm 1956, một năm sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập lễ Thánh Giuse Thợ.

 

 

Năm nay, tại Vatican, lễ Thánh Giuse Thợ cũng giống như cách 64 năm: không có đám đông tín hữu tham dự Thánh lễ vì thời gian đó cũng có đại dịch, nhưng có sự hiện diện của Đấng Bảo Trợ người lao động, đang dõi theo trông chừng mọi người bị một đối tượng siêu nhỏ tấn công. Cách đây 64 năm, Thánh Giuse cũng dõi theo số phận của nước Ý phải xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.

Từ Milan đến Roma

Ngoài những điểm khác về lịch sử, có rất nhiều điểm tương đồng được thêm vào xung quanh tượng Thánh Giuse đã đến Vatican vào chiều 30/4 và được đặt trong Nhà nguyện Thánh Marta: Ngày 01/5/1956, bức tượng được Đức cha Giovanni Battista Montini, Tổng Giám mục Milan làm phép. Và ngày 02/5 tượng được Hiệp hội Kitô giáo các công nhân Ý (ACLI) dùng máy bay trực thăng đưa đến Rôma để Đức Giáo Hoàng Piô XII ban phép lành trong buổi tiếp kiến các thành viên của Hiệp hội. Buổi tiếp kiến này diễn ra sau 12 tháng Đức Giáo Hoàng Piô XII quyết định dành một ngày để kính Thánh Giuse Thợ, Đấng Bảo Trợ người lao động, cũng là ngày của toàn thể người lao động trên thế giới.

Như cách đây mấy chục năm và hôm nay cũng vậy, trong tinh thần hiệp thông, các thành viên của Hiệp hội Kitô giáo các công nhân Ý muốn mang đến cho Đức Thánh Cha tượng Thánh Giuse trong Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự. Bức tượng được làm bằng đồng mạ vàng của điêu khắc gia Enrico Nell Breuning, chỉ cao dưới 150 cm, thường được đặt trong trụ sở của Hiệp hội ở Rôma. Đã một lần, vào ngày 23/5/2015 bức tượng đã được đặt ở vị trí không xa Đức Thánh Cha, trong Đại Thính đường Phaolô VI. Dịp đó, tượng được đưa đến trong một cuộc rước kiệu tại buổi tiếp kiến chung.

Công việc tự do và liên đới

Ông Roberto Rossini, chủ tịch quốc gia của Hiệp hội Kitô giáo các công nhân Ý nhận định: “Đây là một hành trình trở về của quá khứ đan xen với hiện tại, với nhiều nỗi lo làm rung động thế giới lao động. Quá khứ và ký ức của những người đi trước chúng ta, khuyến khích chúng ta làm việc để như Đức Thánh Cha đã nhiều lần lưu ý: tất cả người lao động đều có quyền và lao động là tự do, sáng tạo, tham gia và liên đới”.

Ngọc Yến – Vatican News