WGPSG / Aleteia – Đây là lời khuyên của Thầy phó tế Tim Flanigan – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. 

Khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây nhiễm cho ngày càng nhiều người trên khắp thế giới, và trong khi khoa học đang tìm cách ngăn chặn sự lây lan của virus này, là người Công giáo, chúng ta cần phải tự hỏi chính mình phải làm gì?

 

Có hai cấp độ được đặt ra cho câu hỏi này: một là tìm ra những hướng dẫn để làm theo, hai là tìm xem trách nhiệm Kitô hữu đòi hỏi ta phải làm gì khi đối mặt với căn bệnh vẫn còn nhiều bí ẩn này. 

Chúng tôi đã nói chuyện với Tiến sĩ Timothy Flanigan – giáo sư y khoa tại Trường Đại Học Y Brown, cũng là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Miriam và Rhode Island, đồng thời cũng là Thầy phó tế của Giáo phận Providence, người đã tình nguyện sống ở Liberia nhiều tháng trong suốt cuộc khủng hoảng dịch ebola. 

Chúng ta hãy bắt đầu với một câu hỏi mà mọi độc giả luôn muốn đặt ra: Chúng ta nên cư xử thế nào trong cơn dịch bệnh Covid-19? Đâu là các tiêu chuẩn cơ bản về sức khỏe và vệ sinh mà tất cả chúng ta đều cần phải giữ? 

Virus này lây lan tương tự như virus cúm. Trong thời gian bùng phát, chúng ta không nên bắt tay hoặc hôn nhau, thay vào đó nên mỉm cười, gật đầu và chào hỏi cách thân thiện, và hạn chế đụng chạm vào nhau. 

Nếu bất kỳ ai có bệnh về đường hô hấp, họ nên ở nhà cho đến khi khỏe hơn. Cảm lạnh và các virus khác sẽ làm phức tạp thêm tình hình, do đó, càng ít nhiễm trùng đường hô hấp trong thời gian bùng phát càng tốt. Gặp nhau là tốt nhưng tránh tụ tập đông người. Đứng cách xa người khác 1 mét, đây là “khoảng cách xã hội”, và điều này đã từng cho thấy là đã góp phần làm giảm sự lây lan virus đường hô hấp. 

Những biện pháp nào Thầy nghĩ rằng một Giám mục nên thực hiện để tránh sự lây lan của virus này trong các nhà thờ? 

Đề xuất của tôi tại thời điểm này là tạm ngưng rước lễ qua Máu Thánh trong chén lễ. Các bí tích là rất, rất quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng. Có thể ban các bí tích cách an toàn. Có thể trao Mình Chúa cho một người mà không chạm vào da họ bằng cách đặt vào bàn tay. Đây là thời điểm cần tránh những cái bắt tay thân thiện. Mọi người chúng ta đều có thể chào nhau bằng một nụ cười thật tươi và không cần thiết phải bắt tay. Hãy tin rằng nụ cười của chúng ta có sức mạnh lớn gấp đôi những thứ khác. 

Chúng ta cần giúp đỡ người khác. Trong suốt khoảng thời gian khó khăn này, có thể đi thăm những người đang gặp khó khăn về tài chính hoặc những người bị cô lập về mặt xã hội. Chúng ta có thể thăm viếng và giúp đỡ họ với cách thức an toàn. Điều quan trọng là tránh chạm vào nhau, rửa tay thường xuyên và giữ một khoảng cách an toàn (một cánh tay). 

Hãy nói về các bác sĩ và bệnh viện Công giáo. Họ có thể là nhân chứng đức tin trong cơn khủng hoảng dịch bệnh hiện nay như thế nào? Điều gì có thể làm gia tăng giá trị của họ? 

Rất tuyệt vời là những chứng tá của các bác sĩ, những người chăm sóc sức khỏe và quan trọng nhất là các y tá. Tôi tin rằng trên thiên đàng có rất đông các y tá. Tôi nghĩ rằng cũng có các bác sĩ trên thiên đàng nhưng đó là nhờ các các y tá nói dùm: “Xin Chúa thương cho họ vào!” Y tá được xem là trái tim của hoạt động chăm sóc sức khỏe. Họ là những anh hùng, họ can đảm biết bao. 

Mọi người cần biết gì về dịch bệnh này? Thầy có nghĩ rằng các phương tiện truyền thông đang thực sự giúp cộng đồng hiểu và đối mặt đúng cách với virus? 

Các phương tiện truyền thông có thể là một trợ thủ rất tốt để giúp cộng đoàn ngưng lây lan virus. Nhưng các phương tiện truyền thông cũng có thể là một đồng minh tuyệt vời của virus khi truyền đi những thông tin không chính xác hoặc nông cạn. Virus của thông tin xấu cũng nguy hiểm như vi rút corona. Dưới đây là hai trang thông tin ưu tiên hàng đầu: Centers for Disease Control and Prevention (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) và World Health Organization  (Tổ chức y tế thế giới) là hai nơi cung cấp thông tin rất tốt nên sử dụng mọi lúc. 

Cộng đoàn Kitô hữu có thể góp phần cách nào để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất (như người vô gia cư, người già) khi dịch bệnh đang thực sự là một mối đe dọa? 

Trong suốt 2.000 năm qua, Giáo hội Công giáo đã giúp đỡ những người gặp khó khăn nhất. Các bệnh viện Công Giáo đã khởi đi từ các tu viện. Khi người khác tháo chạy, Giáo hội chúng ta vẫn cung cấp dịch vụ chăm sóc. Và ngày nay cũng vẫn tiếp tục như thế. 

Nhà xã hội học người Mỹ Rodney Stark, tác giả của cuốn The Rise of Christianity (Sự trỗi dậy của Kitô giáo) (1996), giải thích cách thức hành xử rất cương quyết của các Kitô hữu trong mùa dịch bệnh vào những thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Kitô giáo: họ không chạy trốn khỏi các thành phố như những kẻ ngoại đạo, cũng không xa lánh người khác, nhưng được thúc đẩy bởi đức tin, họ thăm viếng và hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau cầu nguyện và chôn cất người chết. 

Chứng tá mà các Kitô hữu có thể cống hiến cho thế giới trong thời khắc khó khăn này chính là sự hiện diện: đây là chứng tá mạnh mẽ nhất.

 

Silvia Costantini  (Aleteia) / Thu Phượng chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG