09/10/2024

Mối tương quan giữa Lời Chúa và công cuộc truyền giáo của Giáo hội, dựa theo bài tham luận của Đức cha Corrado Lorefice, Tổng Giám mục Palermo, Ý. Chủ đề: “Anh em hãy ra đi…Thầy ở cùng với anh em mỗi ngày – Loan báo Tin Mừng hôm nay. Giáo hội được triệu tập cho việc hoán cải loan báo Tin Mừng của các cộng đoàn Kitô”. Sau đây là những tư tưởng của Đức cha Corrado Lorefice:

Giáo hội chỉ có thể thực hiện được sứ vụ khi được đặt trên vai của Thiên Chúa

Tôi muốn bắt đầu từ một tư tưởng quí giá của các nhà thần học trung cổ: “Chúng ta giống như những người lùn ngồi trên vai người khổng lồ, như thế chúng ta có thể nhìn được nhiều thứ và nhìn xa hơn họ, không phải do cái nhìn sắc bén của ánh mắt hay do chiều cao của cơ thể chúng ta, nhưng bởi vì chúng ta được đưa lên và nâng lên một tầm cao vĩ đại”. Đứng trước sứ mệnh loan báo Tin Mừng, Giáo hội chỉ có thể thực hiện khi được đặt trên vai của Thiên Chúa, Chủ của Giaó hội. Một Giáo hội sống trong ký ức của các nhà truyền giáo vĩ đại, của biết bao người nam và nữ đã loan báo và làm chứng cho chúng ta Tin Mừng trong những điều bình thường của cuộc sống.

Trao lại quyền tối thượng cho Sách Thánh

Cha Giuseppe Dossetti, một chuyên gia về Kinh Thánh và cũng là chuyên gia trong lãnh vực huấn luyện lương tâm Kitô giáo đã chỉ ra rằng, trong khi thừa nhận một cách thanh thản sự cần thiết và giá trị của nhiều chức năng khác nhau hiện có trong Giáo hội, thì Giáo hội phải ưu tiên trao lại quyền tối thượng cho Sách Thánh. Giáo hội phải ý thức cộng đoàn Kitô giáo được sinh ra từ việc đón nhận Tin Mừng. Thật vậy, cộng đoàn Kitô được các Bí tích, Tin Mừng và cả việc phục vụ loan báo Tin Mừng nuôi dưỡng.

Có một bế tắc quan trọng của Giáo hội trong thời đại chúng ta: “Vấn đề nằm ở chỗ phải lưu giữ một quyền tối thượng thực sự, định lượng và định tính, trong mối tương quan với Kinh thánh. Mặt khác, Lời Thiên Chúa […] không còn là hạt giống không thể hư nát tạo ra dân Kitô giáo. Dân Kitô giáo […] có nguy cơ giảm sút dần dần, biến dạng, rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng và mất phương hướng, như xảy ra ngày hôm nay”. Lời Chúa chứa trong Kinh thánh có “đặc tính trình diễn, nhất là trong tác động phụng vụ, nổi lên tính cách thánh thiêng riêng biệt của nó” (Aperuit illis, 2) phù hợp với Đức Kitô. Nói tóm lại, hoặc có một quyền tối thượng thực sự của Kinh thánh trong đời sống của Giáo hội (một quyền bá chủ định lượng, định tính và cân xứng) hoặc đời sống Giáo hội suy yếu và mất đi ý thức định hướng và sự tự do loan báo.

Cha Giuseppe giải thích ý nghĩa của “quyền tối thượng của Kinh thánh” đề cập đến thiên niên kỷ đầu tiên lịch sử của Giáo hội cả ở phương Đông và phương Tây. Cha nói: Trong suốt khoảng thời gian rất dài này “không có suy tư và ý kiến, không có hoạt động, không có ý thức, không có cộng đoàn, không tập trung vào Kinh thánh, không bị Kinh thánh chi phối, và thậm chí không có luật pháp. […] không có Giáo luật”.

Tính cấp bách thực hành cầu nguyện với Kinh Thánh

Mục đích của tôi là nhấn mạnh tính ưu tiên cấp bách của việc thực hành cầu nguyện qua việc lắng nghe Kinh Thánh. Hình thức của việc lắng nghe này là: tập hợp xung quanh Đấng kế vị các tông đồ, chính các vị đảm bảo cho chúng ta về đức tin tông truyền của Giáo hội. Và hình thức tiếp theo là trong các cộng đoàn Kitô giáo. Lời chúng ta thường xuyên gặp và chúng ta loan báo chính là Tin Mừng, Tin Vui.

Kinh thánh, Lời vĩnh cửu của Cha

“Kinh thánh không phải là một cuốn sách, nhưng là một Con Người Hằng sống, đó là Lời vĩnh cửu của Cha”. Kinh thánh chứa đựng Lời Chúa, tiếng nói của Đấng Hằng Sống. Có thói quen sống và tương quan với Tin Mừng có nghĩa là có thói quen với Người “đẹp” của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời thành xác phàm, Người Nararet bị đóng đinh và phục sinh, Đấng tuyên bố và đặt trong cuộc sống của con người những dấu hiệu hữu hình sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng mặc khải và giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt phụ tử và nhân hậu của Thiên Chúa.

Nội dung của Tin mừng được đón nhận nhờ hoạt động đức tin của các nhân chứng đức tin và tới lượt mình, chúng ta phải truyền lại bằng “lời nói và cử chỉ” theo chính cách của Chúa Giêsu, là lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi cuộc sống của những người đón nhận Ngài. Trong xác thể của Kitô hữu, của các môn đệ Chúa Giêsu, phải tiếp tục thực hiện các cuộc gặp gỡ giữa con người thời nay với Người thành Nazaret, Đấng đã chia sẻ hòa giải với những người thu thuế và những kẻ tội lỗi. Tin Mừng mà Giáo hội phải loan báo là lòng thương xót của Thiên Chúa diễn ra trong lịch sử. Thiên Chúa “trao” Con của Người, tới lượt Ngài hiến mình một cách tự do và để yêu thương vì ơn cứu độ và sự tái sinh của chúng ta cho con cái của Thiên Chúa. Trong Người, Thiên Chúa là “Cha của chúng ta”.

Thiên Chúa của tất cả và cho tất cả mọi mọi người

Khi chúng ta nói “của chúng ta”, của Chúa, chúng ta không muốn đánh dấu một sự sở hữu. Thiên Chúa đã cứu độ và quy tụ chúng ta trong Chúa Kitô là Thiên Chúa của tất cả và cho tất cả mọi mọi người. Trong Giáo hội, Thân mình Chúa Giêsu Kitô “tiếp tục” và “lan tỏa và hiệp thông”, muốn tiếp tục đến và đón nhận tất cả mọi người. Chúng ta, những người sống tình yêu này, được kêu gọi để loan báo như thế, như Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng, say mê tìm kiếm, đón tiếp với lòng quảng đại và tế nhị. Đây là bản chất của mục vụ, cũng như điều mà chúng ta gọi là sứ vụ: một chuyển động mở ra nguồn nước hằng sống, tái tạo và làm mới chúng ta. “Ngày nay, khi Hội Thánh tìm kiếm các trải nghiệm về một cuộc canh tân truyền giáo sâu xa, có một loại rao giảng mà mỗi người chúng ta phải coi như một bổn phận hằng ngày, nó liên quan tới việc đem Tin Mừng tới những người chúng ta gặp gỡ, dù họ là những người lân cận hay hoàn toàn xa lạ với chúng ta”. (Evangelii gaudium, 127).

Tin Mừng được đưa vào và làm thành câu chuyện riêng của mỗi người, đó là loan báo Tin Mừng

Ngày nay loan báo Tin Mừng có thể theo nghĩa là làm cho thấy, theo một cách thông minh và sáng tạo, cách Tin mừng được đưa vào và làm thành câu chuyện riêng của mỗi người mà chúng ta gặp hàng ngày, những người chúng ta gặp ở ngã tư đường phố hoặc những người vẫn đến để tìm kiếm chúng ta trong thực tế cộng đoàn của chúng ta. Nói theo cách của ĐTC Phanxicô: “Con người cần lòng thương xót; mặc dù vô thức, trong việc tìm kiếm. Con người biết mình bị thương, biết mình “đã nữa sống nữa chết” (Lc 10, 30), mặc dù con người sợ phải thừa nhận điều đó. Khi họ bất ngờ thấy lòng thương xót đang đến gần, sau đó bằng cách phơi bày bản thân, họ đưa tay ra để cầu xin điều đó. Họ được lôi cuốn từ khả năng dừng lại của người Samaritano tốt lành, cúi xuống chạm vào da thịt bị thương. Và như vậy, qua cách của con người, họ đã đạt được Tin Mừng. Hành động này ngược lại với hành động của nhiều người đi qua, và khi thấy người bị thương, họ bị một bệnh thấp khớp của linh hồn ngăn cản họ cúi mình xuống, họ ưu tiên cho những gì là không ô uế.

Sứ vụ loan báo Tin Mừng không chỉ dành cho các “chuyên gia”

Sứ vụ loan báoTin Mừng được nhìn thấy bằng hành động trong các mối tương quan hệ giữa các môn đệ, trong mối quan hệ hiệp thông được chấp nhận như một hồng ân nhờ sự Phục sinh của Chúa Kitô. Nhiều đoạn Tin Mừng làm chứng cho điều này: được sai đi từng hai người một (Lc 10, 1); chúng ta trở nên dễ nhận biết là môn đệ của Chúa Giêsu nếu chúng ta yêu thương nhau (Ga 13, 35); khi chúng ta hiệp nhất trong sức mạnh của ký ức danh Ngài, Chúa Giêsu hiện diện (Mt 18, 20). Chứng tá hiệp thông sau đó là một phần không thể thiếu trong sứ mạng truyền giáo. Một Giáo hội không làm chứng cho việc đón nhận hiệp thông không thể loan báo Tin Mừng. Chia rẽ, tai tiếng và mọi lời loan báo đều bị cản trở. Khi Tin Mừng của trái tim đến và luôn sẵn sàng, nó biến đổi cuộc sống cá nhân và tất cả các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cộng đoàn, Giáo hội và xã hội dân sự. Sứ vụ loan báo Tin Mừng là điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô gợi ý bằng mọi cách và trong mọi dịp – không chỉ liên quan đến “các chuyên gia” và các chủ thể Giáo hội được chọn. Mệnh lệnh của Chúa ra đi và loan báo Tin Mừng thúc bách từ bên trong, từ tình yêu, để cho tình yêu luôi cuốn. Chúng ta không theo Chúa Kitô, nói gì đến việc trở thành những người loan báo về Chúa và Tin Mừng của Người cho một quyết định được đưa ra trên bàn, cho mọt hoạt động tự do.

Giáo hội truyền giáo, cộng đoàn Kitô giáo đặt mình theo một phong cách của các môn đệ, chứng tá truyền giáo có thể thực sự trở nên thú vị cho những người khác và thu hút họ đến với Chúa Kitô. Cộng đoàn truyền giáo không phải do công việc mình thực hiện, nhưng do nhận thức và tiếp xúc với những người nam và nữ, những người đến lượt họ được Chúa Kitô thu hút, trong họ, chính Chúa Kitô thực hiện công trình lôi cuốn của Ngài.

Những người nghĩ rằng họ là anh hùng hoặc doanh nhân của sứ vụ, mặc dù tất cả các ý định đều tốt và tuyên bố về ý định của họ, thường cuối cùng không thu hút bất cứ ai. Họ phơi bày “công trạng” của mình trước mặt Chúa. Do đó, cần phải sống trong một mấu chốt của việc truyền giáo tất cả những gì liên quan đến Giáo hội và xã hội: phụng vụ và tất cả thể hiện trong việc chăm sóc mục vụ thường ngày, từ việc cử hành các bí tích đến chứng tá bác ái, từ giáo lý cho trẻ em đến người lớn, gia đình, giới trẻ; trách nhiệm đối với thành phố và ngôi nhà chung. Tất cả dân trung thành của Thiên Chúa có sứ mệnh là chân trời của họ. Tất cả những ai đã được rửa tội có thể tuyên xưng Chúa Kitô trong hoàn cảnh sống của mình. Sứ vụ không phải là năng lực độc quyền của các nhóm đặc biệt.

Loan báo Tin Mừng có nghĩa là cung cấp năng lượng cho một nền văn hóa giáo dục về cái đẹp, những điều tốt đẹp, tin tốt lành.

Ngọc Yến – Vatican