10/10/2024

“Vì những người bị lãng quên của Idlib, Syria” là biểu ngữ sẽ được hiển thị vào lúc 11 giờ sáng Chúa nhật ngày 08 tháng 3, trước Văn Phòng Báo chí Tòa Thánh. Những người mang biểu ngữ có nội dung trên là thành viên của các hiệp hội và phong trào: Caritas Ý, Trung Tâm Astalli, Cộng đoàn Thánh Egidio, Liên đoàn Tổ chức quốc tế của các Kitô hữu phục vụ tự nguyện ( FOCSIV) Và Liên hiệp các Cộng đồng Hồi giáo Ý (UCOII).

 

 

Idlib là một thành phố ở phía tây bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, được coi là “điểm nóng” trong cuộc xung đột từ năm 2011 tại quốc gia này. Và nay lại trở thành tâm điểm chú ý trong các cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông cáo báo chí cho biết sáng kiến nhằm bày tỏ “lòng biết ơn Đức Thánh Cha, quyền bính duy nhất trên thế giới nhớ đến thảm trạng của thường dân Idlib ở tây bắc Syria”. Vào Chúa nhật 23 tháng 02, trong buổi đọc Kinh Truyền tin tại Bari nhân cuộc gặp gỡ suy tư về chủ đề “Địa Trung hải, biên giới của hòa bình”, Đức Thánh Cha đã nói: “Trong khi chúng ta tập trung tại đây để cầu nguyện và suy tư về hòa bình và số phận của các dân tộc Địa Trung Hải, thì ở phía bên kia của biển này, đặc biệt là ở phía tây bắc Syria, một thảm kịch khủng khiếp đang diễn ra. Với tâm hồn của các vị mục tử, chúng tôi kêu gọi mạnh mẽ cộng đồng quốc tế hãy can thiệp vì sự bình an của người dân vô tội”.

Những người tham gia sự kiện cho biết: “Chúng tôi rất buồn vì những hình ảnh của những đứa trẻ bị chết cóng, đôi khi một mình, đôi khi với cha mẹ hoặc người thân. Họ là những người buộc phải chạy trốn khỏi Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ sau các vụ đánh bom, vi phạm các quy tắc cơ bản nhất của luật nhân đạo quốc tế. Hơn thế nữa họ còn bị ngăn cản không được cứu từ một bức tường không thể vượt qua”.

Theo ước tính, có ít nhất một triệu người đang chạy trốn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chỉ có hai hành lang nhân đạo của Liên Hợp Quốc mở ra cho họ. Những người tham gia sự kiện nói: “Thật không thể chấp nhận được. Các anh chị em này của chúng ta không thể bị lãng quên. Vì thế, với hành động này, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha và tỏ cho thế giới biết lời kêu gọi của ngài cho những người bị bỏ rơi và bị phản bội này không rơi vào quên lãng”. (CSR_1297_2020)

 

Ngọc Yến – Vatican