Đức Thượng phụ Công giáo Can-đê ở Iraq thông báo mở cửa lại các nơi thờ phượng, dù phải hạn chế số người và tuân thủ các quy tắc y tế.

 

Đức Thượng phụ Louis Raphael Sako   (AFP or licensors)

 

Iraq là một trong những quốc gia ở Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nhất bởi virus corona. Thêm vào những vấn đề đã có từ lâu như nghèo đói và bạo lực, đại dịch đưa nước này đến bờ vực suy sụp.

Hạnh phúc và niềm vui sau 7 tháng Thánh lễ công cộng bị đình chỉ

Bình luận về việc mở cửa trở lại các nhà thờ cho tín hữu thủ đô vào Chúa Nhật ngày 4/10, Đức cha Basilio Yaldo, giám mục phụ tá của giáo phận Baghdad, nói với hãng tin AsiaNews: “Chúng tôi bắt đầu từ Chủ nhật tới, với bao hy vọng, xúc động và hạnh phúc, tùy theo sức chứa của mỗi nhà thờ, giới hạn số người vì chúng tôi phải giữ khoảng cách”. “Nếu một cơ sở thờ tự có sức chứa 550 chỗ thì chúng tôi sẽ cho phép khoảng một trăm người, mỗi ghế chỉ tối đa hai người. Nhưng đây là một tin vui, sau hơn bảy tháng đóng cửa”.

Đức cha Yaldo giải thích rằng quyết định được đưa ra dựa trên ý thức tập thể: “Vì chúng tôi phải chung sống với virus corona một thời gian dài, chúng tôi đã quyết định dần dần mở cửa lại các nhà thờ. Nhiều đền thờ Hồi giáo cũng đã mở lại. Chính quyền đã cho phép mở lại một số hoạt động… Điều cần là sống chung với virus bằng cách tuân theo các hướng dẫn y tế và của chính quyền, chú ý thận trọng nhưng đồng thời bảo đảm hỗ trợ cho các tín hữu.”

Trong đại dịch, Giáo hội tìm cách gần gũi và trợ giúp người dân

Đức Thượng phụ Louis Raphael Sako nói rằng đại dịch là cơ hội để tìm lại đức tin mạnh mẽ hơn và suy nghĩ về một xã hội liên đới hơn. Đức cha phụ tá của Baghdad cho biết trong những tháng qua, dân chúng sợ hãi, đóng kín mình trong nhà, nhưng Giáo hội đã tìm cách ở gần người dân và trợ giúp cho các gia đình gặp khó khăn nhất. Một điều tích cực trong thời gian này chính là tình liên đới giữa người dân; một Giáo hội sinh động không bỏ rơi một ai. (AsiaNews 02/10/2009)

Hồng Thủy – Vatican News