Theo nguồn tin của Vatican News, ngày 11-9 vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã xác nhận Đức Hồng y Luis Antonio Tagle có kết quả dương tính với Covid-19 sau khi xét nghiệm bằng “tăm-bông”.

 

 

 

Ông Matteo Bruni, giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói trong một thông cáo ngắn rằng Đức HY Tagle thực sự đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 sau khi xét nghiệm họng bằng “tăm-bông” ngày hôm 10-9 khi ngài đến Manila.

Được biết, Đức HY Tagle được ĐTC Phan-xi-cô bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các dân tộc vào tháng 12-2019, và cũng là Chủ tịch tổ chức Caritas Quốc tế, liên minh các tổ chức bác ái Công giáo trên toàn thế giới. Như vậy ngài đã trở thành người đầu tiên đứng đầu một bộ của Tòa Thánh bị nhiễm virus corona.

Trả lời các nhà báo, ông Bruni nói rằng Đức HY Tagle không có bất kỳ triệu chứng nào và ngài sẽ tự cách ly bắt buộc ở Philippines, nơi ngài đang ở hiện nay. Ông cho biết thêm là trong thời gian chờ đợi, những kiểm tra cần thiết đang được thực hiện đối với những người đã tiếp xúc với Đức HY trong những ngày gần đây. [1]

Khi nghe tin này, chắc chắn người Công giáo chúng ta không ai là không khỏi bàng hoàng và lo lắng vì con vi-rút nguy hiểm này, không chừa một ai, đã xâm nhập đến một vị Hồng y cao cấp của Tòa thánh Vatican. Mặc dù tỷ lệ tử vong đối với người nhiễm không cao, nhưng cái chết có thể đến bất ngờ và không ai có thể nói trước được điều gì.

Chúng ta biết rằng, kể từ khi dịch cúm Covid-19 xảy ra vào cuối năm 2019, tại một số quốc gia trên thế giới như Ý, Bra-xin, Mê-hi-cô, Mỹ, Tây Ban Nha… đã có nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và nhiều thành phần giáo dân đã chết vì nhiễm vi-rút corona khi đang làm mục vụ hay đang phục vụ các người nhiễm bệnh. Họ là những Ki-tô hữu đã sống mầu nhiệm thập giá cách trọn vẹn nhất.

1- SỐNG MẦU NHIỆM THẬP GIÁ LÀ CHẤP NHẬN CHẾT VÌ YÊU

Ngày 22-7-2020, trang Vatican News đưa tin có ít nhất 9 giám mục trên thế giới qua đời vì Covid-19. Tại Brasil có 3 giám mục đã qua đời và hiện có 5 vị được cho là đã nhiễm virus corona. Tại Bolivia, một giám mục qua đời hôm 15-7 ở tuổi 66. Ngài là người gốc Ý và đã phục vụ tại giáo phận Bolivian trong 10 năm. Tại Hoa Kỳ, Đức cha phụ tá Boston và Đức cha phụ tá tổng giáo phận Liverpool của Anh đã qua đời do hậu quả của Covid-19. Các ngài qua đời ở tuổi 85 và 88.

Tại Châu Phi, ít nhất hai giám mục đã qua đời vì coronavirus. Một giám mục của Cộng hoà Dân chủ Congo qua đời ở tuổi 82 và một giám mục của Kenya qua đời ở tuổi 91.

Tại Ý, vị giám mục đầu tiên qua đời bởi đại dịch coronavirus là Đức cha Angelo Moreschi, một giám mục người Ý thuộc hạt truyền giáo đại diện Tông toà Gambella của Ethiopia, ngài qua đời ở tuổi 67 tại Brescia, một thành phố thuộc vùng Bologna của Ý.

Ngoài ra, hai vị giám mục khác đã qua đời sau khi đã phục hồi từ Covid-19. Vị thứ nhất là Đức cha Giuse Chu Bảo Ngọc (Zhu Baoyu), 98 tuổi, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Vị thứ hai là Đức cha Moses Costa, 69 tuổi, TGM Chittagong của Bangladesh. Ngài đã phục hồi sau khi nhiễm Covid-19 và hai tuần sau, hôm 13-7, ngài đã qua đời tại bệnh viện sau một loạt các cơn đột quỵ, được cho là hậu quả của Covid-19. [2]

Riêng về con số các linh mục phải hy sinh khi làm mục vụ thời Covid-19 thì được thống kê là khá cao.

Theo tin cho biết, tính đến ngày 15-4-2020, ước tính có 109 linh mục ở Ý đã chết vì Covid-19, nhiều vị trong số đó đã bị nhiễm virus từ những bệnh nhân mà các ngài phục vụ.

Trong thánh lễ Tiệc Ly chiều thứ Năm Tuần Thánh năm 2020, ĐTC Phan-xi-cô đã tôn vinh các linh mục này như “những vị thánh” bên cạnh chúng ta.

Theo tờ New York Times, các linh mục và tu sĩ, đặc biệt là các vị ở những khu vực bị nhiễm virus corona nặng như Bergamo, đã mạo hiểm cuộc sống của họ, để đáp ứng nhu cầu tâm linh cho các tín hữu sùng đạo và lớn tuổi, vốn bị virus corona tấn công mạnh nhất.

Chỉ riêng Giáo phận Bergamo đã mất 24 linh mục trong vòng 20 ngày. Khoảng một nửa trong số đó là các linh mục đã nghỉ hưu, nửa còn lại là các linh mục đang hoạt động. Số linh mục còn sống vẫn tiếp tục mục vụ chăm sóc cho các bệnh nhân. Theo tờ Times, các linh mục này buồn lòng vì không thể đến gần các bệnh nhân, buồn vì thấy cảm giác cuối cùng mà người tín hữu cảm nhận được là một cái chạm với đôi găng tay, và buồn vì gương mặt cuối cùng mà các bệnh nhân nhìn được là gương mặt trong điện thoại. Cũng theo báo Times, virus corona đã tách biệt vợ chồng, con cái trong một gia đình, rồi giết chết họ. Vì thế, các linh mục này rất đau đớn khi phải xa cách đàn chiên trong lúc các con chiên đang rất cần các ngài.

Đức Giám mục của Bergamo cho biết là: “Rất nhiều linh mục đã chấp nhận nguy hiểm để gần gũi với đàn chiên của mình. Con số lớn các linh mục bị nhiễm virus là một dấu chứng rõ ràng của sự gần gũi, của sự chia sẻ trong đau khổ với đàn chiên”.

Avvenire, tờ báo chính thức của các giám mục Ý, đã xác định một số đặc điểm chung của các linh mục đã chết như sau: “Hầu hết các linh mục đã chết do nhiễm virus corona là vì các ngài vẫn ở giữa mọi người thay vì tự cứu chính mình. Các ngài cố gắng ở lại lâu dài với đàn chiên để phục vụ như những người gìn giữ các ký ức được chia sẻ, đó là một sự tham dự vào dòng chảy của chứng tá và các giá trị qua các thế hệ”. Sự hiện diện của các mục tử “thật quý giá và không thể thiếu, các tín hữu khám phá ra điều đó đặc biệt trong hoàn cảnh bị cách ly, và khi cái chết đã cướp đi khỏi họ những vị mục tử luôn chân tình, gần gũi và sẵn sàng hiến thân vì họ”. [3]

Trong khi đó, theo Ủy ban Quốc gia về Linh mục của Brazil, từ tháng 3-2020 đến nay, gần 500 linh mục Brazil nhiễm Covid-19 và hơn 20 vị đã qua đời vì Covid-19.

Brazil có khoảng 170 triệu tín hữu Công giáo, với 27.500 linh mục, trong đó có 18.200 linh mục triều và 9.300 linh mục dòng. Theo cha José Adelson da Silva Rodrigues, Chủ tịch Ủy ban, con số các linh mục nhiễm virus được báo cáo trên đây chỉ là những trường hợp liên quan đến các linh mục triều vì số các linh mục dòng nhiễm virus vẫn chưa được biết. Cha cho rằng chắc chắn là tình hình còn xấu hơn nhiều nếu con số các linh mục của các dòng bị nhiễm bệnh được thêm vào.

Cha Rodrigues đã chia sẻ như sau: “Trong nhiều tháng, chúng tôi đã không cử hành Thánh lễ và nhiều hoạt động bị gián đoạn. Nhưng công việc của giáo xứ chưa bao giờ dừng lại, và đại dịch buộc chúng tôi phải tăng cường các hoạt động trợ giúp xã hội. Nhiều người tìm chúng tôi để trải bày tỏ tâm sự của họ và chúng tôi không thể từ chối họ”. Ngài nhấn mạnh: “Chúng tôi có trách nhiệm lớn với dân của chúng tôi. Do đó chúng tôi rất dễ bị nhiễm”.

Sự lây lan trong cộng đồng lớn trong nước khiến hầu hết các linh mục không thể biết họ đã bị nhiễm bệnh như thế nào. Cha Rodrigues cho biết là Ủy ban Linh mục toàn quốc không ngừng nhắc nhở các linh mục phòng ngừa, nhưng thực tế là các ngài không bao giờ ngừng làm việc. Các ngài không thể trốn tránh như thể thế giới đang ngừng chuyển động.” [4]

Trong khi đó tại Mê-hi-cô, hơn 80 linh mục tu sĩ chết vì Coronavirus.

Theo Trung tâm Truyền thông Công giáo ở Rosario, bên Argentina, trong số các nạn nhân, có 70 linh mục, 6 phó tế và 5 tu sĩ, phần lớn thuộc các tổng giáo phận San Luis Potosi, Morelia và Puebla. Đa số các linh mục chết trong khi thi hành phận sự tại các giáo xứ, thánh đường, và các vị tuổi từ 39 đến 85.

Hôm 6-8-2020, Trung tâm Truyền thông Công giáo ghi nhận con số linh mục cao nhất chết vì coronavirus: 5 vị chết trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Theo thống kê, tính đến ngày 18-8-2020, tại Mêhicô có hơn 531.000 người bị lây nhiễm coronavirus và gần 57.800 người tử vong, đứng sau Brazil và Peru. [5]

Những sự hy sinh quên mình phục vụ bất chấp sự nguy hiểm tột cùng của virus corona thì rất nhiều không sao kể hết. Bên cạnh những người mà chúng ta biết được, còn có rất nhiều tấm gương khác, đó là những người sống âm thầm, phục vụ âm thầm và chết âm thầm.  

Quả thực, lòng mến đã không bị “cách ly” bởi dịch bệnh, như lời thánh Phao-lô đã quả quyết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8, 35).

Bài học lớn nhất của thập giá Đức Ki-tô là chết vì yêu, yêu đến cùng, yêu không mong sự đáp trả. Chính Chúa Giê-su đã khẳng định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). “Hy sinh mạng sống”, Lời của Chúa không phải là một lời hô hào suông, trái lại đó là một mệnh lệnh của tình yêu mà chính Ngài đã làm gương trước cho chúng ta. Sách Diễm tình ca cũng đã mô tả “Tình yêu mạnh hơn sự chết” (Dc 8,6).

Ngày nay, hàng trăm giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân dám đối diện với con vi-rút kinh khủng, dấn thân vào chỗ chết để bảo vệ sự sống cho những người xung quanh. Đó không chỉ là sự can đảm theo kiểu con người, nhưng là sự biểu lộ sức mạnh của một tình yêu đến từ thiên giới, tình yêu cứu độ và trao ban sự sống.

Đối với thánh Phao-lô, đó cũng là sự thông hiệp vào mầu nhiệm thập giá của Chúa Ki-tô. Trong thư thứ hai gửi Cô-rin-tô, ngài đã liệt kê tất cả những thử thách gian truân ngài đã chịu: “Tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ trong thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10).

Đối với người Ki-tô hữu, đau khổ, bệnh tật và sự chết không còn là điều gì kinh khủng nữa, chúng ta đón nhận tất cả vì biết rằng ở đời này, tình yêu chỉ vững chắc khi đã trải qua những thử thách và thanh luyện. Chúng ta đón nhận Thập giá như một phương tiện hiến dâng trong sáng và quyết liệt hơn.

2- SỐNG MẦU NHIỆM THẬP GIÁ LÀ VÂNG PHỤC Ý CHÚA TRONG MỌI HOÀN CẢNH

Nhớ lại, khi dịch cúm Covid-19 mới xảy ra tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) và nhanh chóng phát tán khắp nơi trên thế giới, số người nhiễm bệnh gia tăng từng ngày thật kinh khủng và số người chết cũng ồ ạt ngã xuống. Cảnh tượng bệnh tật và chết chóc tại nhiều nơi trên thế giới thật kinh hoàng đến nỗi có người đã liên tưởng đến ngày tận thế.

Riêng đối với cộng đồng tín hữu Công giáo, để phòng chống dịch có hiệu quả theo hướng dẫn của các nhà nước, Hội thánh các nơi cho phép các tín hữu tham dự thánh lễ trực tuyến tại nhà thay vì đến thánh đường theo quy định. Ngưng mọi sinh hoạt tôn giáo. Nhà thờ các nơi đều đóng cửa. Không ai còn được nghe tiếng chuông ngân vang vào sáng sớm và chiều tối nữa. Mọi quy tụ đều tạm thời đình chỉ. Người ta cảm thấy buồn nhớ vì không còn được nghe tiếng cầu kinh râm ran, tiếng thánh ca vọng ngân từ các giáo đường nữa…

Trước tình hình này người Ki-tô hữu chúng ta tự hỏi, “Thiên Chúa đang ở đâu? Người muốn nói gì thông qua những biến cố đáng sợ và đau buồn này?”. Đây là câu hỏi mà đức tin Ki-tô giáo sẽ giúp trả lời cho ta. Chúng ta biết rằng, Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan và quyền năng, Người thấu suốt mọi sự.

Thực vậy, “Vũ trụ này được Thiên Chúa tạo dựng và gìn giữ, nên tất cả những gì xảy ra trong vũ trụ này đều hiện diện trước mặt Ngài. Ngài thấu suốt mọi sự: Ngài biết rõ những chuyện đã xảy ra trong quá khứ; Ngài thấy rõ những chuyện xảy ra trong hiện tại và Ngài biết cả những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai. Chúa biết tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời của con người, của từng người, cả những ý nghĩ sâu kín nhất trong tâm hồn chúng ta. Vì thế, khi chúng ta thiếu thốn, khi chúng ta lo âu, khi chúng ta gặp rủi ro hoạn nạn, ốm đau bệnh tật thì Chúa đều biết hết. Có nhiều lúc chúng ta gặp oan ức, đau khổ trong tâm hồn mà người khác không biết nhưng có Chúa biết. Chúa biết, nhưng có khi Chúa vẫn để nó xảy đến với chúng ta vì Chúa muốn chúng ta chạy đến kêu cầu Ngài thì Ngài mới cứu giúp. Ngài làm như thế là để tôn trọng tự do của chúng ta, đồng thời để chúng ta khiêm tốn hơn trước mặt Ngài”. [6]

Thiên Chúa khôn ngoan lại đầy quyền năng cho nên trong việc quan phòng của Người, Người hành động một cách kỳ diệu, lạ lùng mà trí khôn ta không thể thấu suốt được. “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi” (Is 55,8). Vì thế đối với những việc xảy ra cho mình, dù tốt hay xấu, người tín hữu cũng vẫn một lòng tin tưởng và phó thác vào Chúa quan phòng. Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ các tín hữu: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định ” (Rm 8, 28).

Trong khi chúng ta thưa với Thiên Chúa trong kinh Lạy Cha, là “xin ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, chúng ta lại thường lèo lái thánh ý Chúa theo ý muốn của ta. Khi dịch bệnh xảy ra, thay vì chúng ta khiêm tốn cầu xin để biết đâu là đường lối của Thiên chúa, đâu là kế hoạch của Người, thì chúng ta lại “điều khiển” Thiên Chúa làm điều này điều kia như thể ban một vài phép lạ nào đó cho chúng ta.

Thực ra, ý Thiên Chúa luôn là một mầu nhiệm. Người hành động một cách kỳ diệu, lạ lùng mà trí khôn ta không thể thấu suốt được. “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi” (Is 55, 8). Vì thế đối với những việc xảy ra cho con người, dù tốt hay xấu, chúng ta một lòng tin tưởng và phó thác vào Chúa quan phòng. Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ các tín hữu: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định ” (Rm 8, 28).

Về ý nguyện này trong kinh Lạy Cha, ĐTC Phan-xi-cô đã chia sẻ như sau:

Khó khăn thử thách giúp chúng ta cảm nghiệm đau khổ: Như đã xảy ra với Chúa Giê-su trong vườn Giết-sê-ma-ni, khi Người nếm trải sự đau khổ và Người đã cầu nguyện; ‘Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này xa con! Nhưng xin đừng theo ý con, mà là theo ý Cha’ (Lc 22, 42). Chúa Giê-su đã bị vùi dập bởi sự ác của thế gian nhưng Người phó thác cách tin tưởng vào đại dương tình yêu của thánh ý Chúa Cha. Cả các vị tử đạo, trong thử thách, các ngài không tìm sự chết, các ngài tìm điều sau cái chết, đó là sự Phục sinh. Thiên Chúa, vì yêu thương, có thể đưa chúng ta đi trên những nẻo đường khó khăn để cảm nhận những vết thương và gai góc đau khổ, nhưng Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Người sẽ luôn ở với chúng ta, bên cạnh chúng ta, trong tâm hồn chúng ta”. [7]

Chúng ta có thể khẳng định một điều quan trọng này là một khi chúng ta vâng phục và thi hành ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, đó là lúc chúng ta đã sống mầu nhiệm thập giá rồi. Bởi vì khi đó chúng ta không sống theo ý riêng mình mà theo thánh ý Chúa. Chúng ta thực hành lệnh truyền bước theo Chúa với quyết tâm từ bỏ ý riêng, từ bỏ cái tôi, từ bỏ những dự tính riêng tư để theo Chúa. Chúng ta tự nguyện chết cho mình và sống cho Chúa.

Trong lúc dịch bệnh còn diễn biến khó lường, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta ơn được từ bỏ ý riêng, biết sống phó thác trọn vẹn theo gương Chúa Giê-su khi Ngài phải đối diện với sự thương khó và cái chết, “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39) ./.

 

Aug. Trần cao khải

Nguồn: Webs HĐGMVN

___________________

[1] Đức Hồng y Tagle nhiễm Covid-19, nguồn:  https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-09/dhy-luis-antonio-tagle-nhiem-covid-19.html, truy cập ngày 15.9.2020

[2] Ít nhất 9 Giám mục qua đời vì Covid-19, nguồn:  https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/9-giam-muc-qua-doi-vi-covid-19-40345, truy cập ngày 15.9.2020

[3] 109 linh mục Ý chết vì virus corona, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/109-linh-muc-y-chet-vi-virus-corona-39681, truy cập ngày 15.9.2020

[4] Gần 500 linh mục Brazil nhiễm Covid-19, nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/gan-500-linh-muc-brazil-nhiem-covid-19-61141, truy cập ngày 15.9.2020

[5] Hơn 80 Linh Mục Tu Sĩ Mêhicô Chết Vì Coronavirus, nguồn:  https://www.giaophandanang.org/hon-80-linh-muc-tu-si-mehico-chet-vi-coronavirus.html, truy cập ngày 15.9.2020

[6] LM. Anthony Trung Thành, bài “Thiên Chúa quan phòng”, nguồn http://conggiao.info/thien-chua-quan-phong-d-40040, truy cập ngày 15.9.2020

[7] ĐTC Phanxicô: Kitô hữu không tin vào “số phận” nhưng vào ơn cứu độ từ Thiên Chúa, Hồng Thủy Vatican News, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-03/dtc-phanxico-kinh-lay-cha-xin-cho-thanh-y-chua-duoc-thuc-hien.html, truy cập ngày 15.9.2020