Roma, ngày 15 tháng 3 năm 2024

Lễ Thánh Clêmentê Maria Hofbauer

Thừa Sai của Hy Vọng Bước Theo Chúa Cứu Thế

NĂM ĐÀO TẠO VÌ SỨ VỤ

Thiên Chúa là Đấng làm sống động lại quà tặng đang có nơi mỗi người chúng ta

Hp 77-90, EG; 050-085; Mt 10,5-15, Lc 9,1-6, 2 Tm 1,6

MẾN CHÀO ANH EM, CÁC NHÀ ĐÀO TẠO VÀ CÁC CỘNG TÁC VIÊN GIÁO DÂN CỦA NHÀ DÒNG,

1. Vào ngày này, khi cử hành lễ Thánh Clement Maria Hofbauer, chúng ta cần nhắc nhở cho mình rằng thánh Clement là nguồn cảm hứng cho sứ vụ của chúng ta. Ngài không sợ hãi trong giai đoạn lịch sử ngài sống và cũng không sợ hãi những cản trở lịch sử mà ngài phải đối diện, nhưng ngài đã biến chúng thành cơ hội để đối thoại với nhiều tầng lớp trong xã hội, từ những người người nghèo khổ nhất, đến giới quý tộc, tầng lớp trung lưu, nhà trí thức, các nghệ sĩ, các công nhân, sinh viên, giáo viên, đàn ông, đàn bà và cho đến cả hàng giáo phẩm. Ngài cộng tác với giáo dân để huấn luyện những giáo dân khác, thi hành tông đồ bằng ngòi bút, và tìm cách để loan báo Tin Mừng bằng những cách thức mới mẻ, tất cả được phản ánh rõ nét nơi việc giảng dạy rất cẩn trọng và lòng yêu mến phụng vụ thánh. Ngài cũng chú tâm đầu tư huấn luyện trẻ em, những người trẻ và những người trưởng thành để họ không chỉ lớn lên về đức tin mà còn phát triển các chiều kích nhân bản khác.

2. Như Heinz Mann đã nói: Hofbauer đã tìm cách hiện thực hóa lý tưởng của một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế: ngài khao khát trở thành một nhà thừa sai trong cảm thức ơn gọi và sự thúc đẩy sứ mạng trong chính bản thân; ngài chỉ sợ một điều là: không còn trung thành với điều đó. Ngài không dấn thân vào công việc mục vụ của mình một cách điên cuồng không định hướng, nhưng với tư cách là một thừa sai và là một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, ngài đặt mình vào một thời kỳ hỗn loạn của lịch sử thế giới và có một cảm thức tốt để tìm kiếm ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa trong những sự kiện và tình huống cụ thể. Ngài có đủ nghị lực để không lãng phí thời gian nhưng biết nắm bắt thời điểm Chúa ban. Ngài đủ tự do để chọn lựa phương pháp tông đồ của mình vì ngài biết rằng mình chỉ là một dụng cụ nhỏ bé trong tay Chúa Cứu Thế […]. Ngài không tự mãn với thành công, và trải qua hàng ngàn thất bại và bách hại ngài vẫn giữ thái độ bình tĩnh và sẵn sàng. Ngài biết rằng rằng Thiên Chúa và ơn cứu độ chứa chan vẫn hiện diện trong lịch sử và trong chính bản thân ngài, đúng như khẩu hiệu của Dòng Chúa Cứu Thế.

3. Dưới sự bảo trợ của thánh Clement, chúng ta khai mạc năm dành riêng cho việc đào tạo vì sứ vụ. Đây là một năm để ý thức về bản thân và đổi mới bản thân trong tư cách là một nhân vị, trong tư cách là tu sĩ và trong tư cách là một cộng đoàn, để đi vào một tiến trình mở ra cho thế giới và cho Thiên Chúa – Đấng đã kêu gọi chúng ta, trong cuộc đối thoại với các tiến trình đào tạo, bắt đầu bằng đào tạo ban đầu với sự giúp đỡ của Văn phòng Đào tạo; và cũng mở ra những không gian để suy tư và hành động trong lĩnh vực đào tạo liên tục, vốn còn hạn chế trong Dòng chúng ta. Tại nhiều Tỉnh (Phụ Tỉnh) vẫn chưa có chương trình đào tạo liên tục. Dường như anh em thích tham gia vào các chương trình đào tạo của giáo phận, vốn dĩ là cần thiết, nhưng những chương trình đó không phù hợp với những đòi hỏi của đặc sủng DCCT và đời sống của chúng ta, và điều này chắc chắn sẽ làm phai mờ dần căn tính DCCT nơi chúng ta.

4. Câu hỏi mà mỗi người chúng ta cần tự hỏi chính mình cách chân thành, và không đổ lỗi cho bất kỳ ai, đó là: Việc đào tạo có quan trọng đối với đời sống cá nhân, đời sống cộng đoàn và đời thừa sai không? Những vấn đề của xã hội hậu hiện đại thách thức tôi phải được đào tạo như thế nào? Làm thế nào tôi có thể đóng góp vào việc đào tạo ban đầu cho Tỉnh (Phụ Tỉnh) thông qua những nỗ lực duy trì trong việc đào tạo liên tục? Đây phải là mối quan tâm của tất cả chúng ta, cả những anh em đã tuyên khấn và những người đang trong giai đoạn đào tạo, thuộc các cấp đào tạo khác nhau. Tổng Công Hội XXVI khẳng định rằng “việc cổ vũ ơn gọi và đào tạo, cả ban đầu và trường kỳ, phải là ưu tiên cơ bản của Hội Dòng” (Tài liệu chung quyết, số 40).

5. Tôi đề nghị các giám tỉnh, bề trên vùng, bề trên miền truyền giáo, bề trên cộng đoàn và các nhà đào tạo khuyến khích các cộng đoàn và những nơi đang đào tạo cổ võ những cuộc gặp gỡ về đào tạo nhằm giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc về mầu nhiệm Đấng Cứu Thế và đồng thời mở rộng chân trời của đời sống tu sĩ DCCT và việc thi hành sứ vụ. Tôi khuyến khích mỗi anh em, mỗi cộng đoàn và cơ sở đào tạo hãy tăng cường và đào sâu những kinh nghiệm này trong suốt năm nay. Mặc dù chủ đề năm nay được chú tâm nhiều hơn, nhưng không có nghĩa là các chủ đề khác bị quên lãng, vì tất cả đều có mối liên hệ với nhau. Ví dụ, đời sống cộng đoàn gắn liền với việc đào tạo, sứ vụ, lãnh đạo, đời sống thiêng liêng và các lĩnh vực khác nữa.

6. Năm nay là một lời mời gọi đến gần với Chúa hơn trong tư cách môn đệ, Ngài là Đấng hướng dẫn chúng ta để khơi lên những ơn huệ đã có sẵn, để chúng ta có thể vui mừng loan báo ơn cứu độ chứa chan. Nếu chúng ta muốn trở thành những thừa sai (cf. Evangelii Gaudium, n. 273), trước tiên chúng ta phải học từ Đấng Cứu Thế, Đấng đã đánh động tâm hồn chúng ta và mời gọi chúng ta đến với Ngài vào một thời điểm nào đó. Nếu không, sứ vụ của chúng ta sẽ giảm thiểu chỉ còn là việc làm một số công việc, và dần dần trở thành trống rỗng và vô nghĩa. Để khởi đầu, tôi đề xuất các bản văn sau: HP. 77-90, EG 050-085; Mt 10, 5-15, Lc 9,1-6, 2 Tim1, 6, vốn mời gọi chúng ta tham gia tiến trình đào tạo bản thân như một sứ vụ có tính cá nhân và cộng đoàn thừa sai để hợp nhất với sứ vụ Đấng Cứu Thế.

7. Trong năm về Đào Tạo này, để thi hành quyết định số 30 của Tổng Công Hội XXV và ứng đáp lại những đề nghị của Tổng Công Hội XXVI về Đào Tạo vì Sứ Vụ (Tài liêu chung quyết, số 40-48; Quyết định 1-4; Bản chỉ đạo 22-36), và cùng với đó là nhu cầu cấp thiết của Hội Dòng, Ban Quản Trị Trung Ương mời gọi tất cả chúng ta lượng giá nghiêm túc về tất cả các cấp đào tạo, cả đào tạo ban đầu và trường kỳ, từ mỗi đơn vị, đến Vùng và toàn thể Hội Dòng. Mục đích của việc lượng giá là giúp thẩm định chất lượng đào tạo của Dòng chúng ta: Liệu đào tạo hiện nay của Hội Dòng có thật sự phù hợp với sự hiện hữu, căn tính, ý định và mục tiêu của chúng ta hay không? Liệu đào tạo hiện nay có vì sứ vụ không?

8. Một số điều cần chú ý, chẳng hạn, sự thay đổi liên tục các nhà đào tạo gây ra khó khăn cho việc đồng hành với những người thụ huấn; thiếu tính liên tục trong các chương trình đào tạo từ cấp này sang cấp khác trong Ratio Đào Tạo, việc cổ võ ơn gọi mà không đề cập đến ơn gọi các thầy, thiếu những chương trình đào tạo trong nhiều cộng đoàn đào tạo, việc chỉ phó mặc việc đào tạo cho các trường hay phân khoa thần học. Việc đào tạo về đời sống thánh hiến và về đặc sủng DCCT không phải là nhiệm vụ chính yếu của các trường hay phân khoa thần học, đó là nhiệm vụ của các nhà đào tạo !

9. Nhiều anh em nhầm lẫn việc đào tạo trường kỳ với việc chuyên môn hóa. Việc đào tạo trường kỳ vượt xa hơn nhiều. Đó là việc đào tạo cả đời. Đào tạo trường kỳ là một tiến trình khởi sự từ khi chúng ta bước vào một môi trường đào tạo và phát triển theo suốt cuộc đời chúng ta dựa vào tầm nhìn cá nhân, cộng đoàn cho đến tầm nhìn của Tỉnh (Phụ tỉnh). Nó là một cuộc hoán cải cá nhân năng động, của việc thấu hiểu và đào sâu sự thánh hiến trong tư cách là một môn đệ ứng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, và của việc dấn thân trong sứ vụ vì dân Thiên Chúa. Do đó, đào tạo liên tục vượt xa việc đào tạo chỉ nhắm đến tri thức và học thuật. Nó đụng chạm tới tất cả lĩnh vực của đời sống. Do đó, chất lượng đào tạo ban đầu phụ thuộc vào chất lượng của việc đào tạo trường kỳ. Đối với chúng ta, đào tạo trường kỳ không phải là một điều gì đó phụ thêm, nhưng nó liên kết mật thiết với sự hiện hữu và sứ vụ của chúng ta.

10. Việc đào tạo không chỉ ở lĩnh vực tri thức. Đó còn là việc nuôi dưỡng thiêng liêng để tăng cường lòng nhiệt thành thừa sai và niềm vui trong tư cách là tu sĩ DCCT (x. HP. 2, 20, 33, 80). Do đó thật cần thiết khi tận dụng được thời gian này để đào sâu linh đạo phong phú của DCCT. Để có thể tạo ra một bản sắc riêng biệt và sáng tạo, không lặp lại quá khứ, nhưng đổi mới trong sứ vụ, chúng ta cần bám vào Kinh Thánh, di sản của các thánh, Hiến Pháp và nhiều bài viết của anh em đã nghiên cứu sâu sắc trong các chủ đề về DCCT. Trong đời sống Dòng Chúa Cứu Thế, chúng ta không thể thi hành sứ vụ mà không có cộng đoàn, không có kinh nghiệm về Thiên Chúa và không có đào tạo thường xuyên.

11. Thật quan trọng khi chúng ta tự hỏi: các cộng đoàn của chúng ta có phải là nơi đào tạo? Các cơ sở đào tạo có làm cho những người trẻ ý thức rằng họ cần được huấn luyện, không chỉ để khấn dòng hay chịu chức linh mục, nhưng còn là trở nên tự do và trung thành với Chúa Kitô (x. Gl 5,1) và trở thành những người cưu mang đặc sủng, để không đánh mất tính độc đáo nguyên thuỷ, qua kinh nghiệm được biến đổi, họ chia sẻ với mọi người trong thời đại hôm nay? Do đó, đối với chúng ta, việc đào tạo không chỉ là nhắm tới việc thi hành các thừa tác vụ, nhưng còn là nuôi dưỡng ơn gọi để trở thành một người tiếp nối sứ vụ Đấng Cứu Thế trong thế giới hôm nay, để được nên một với Ngài và để đồng hành với những người nghèo nhất và bị loại trừ nhất. Chỉ khi làm được điều này chúng ta mới có thể trở nên ánh sáng cho thế gian (x. Mt 5, 14).

12. Trong bối cảnh có rất nhiều chất vấn về đời sống con người ngày, ta lấy một ví dụ trong lĩnh vực luân lý và đạo đức sinh học (mô hình gia đình mới, về tình dục, v.v.), nếu chúng ta không cập nhật, chúng ta sẽ làm hại dân Chúa. Đó là một vấn đề ở mức độ lương tâm cá nhân và tập thể dành cho chúng ta – những người huấn luyện lương tâm. Chúng ta sẽ không có những câu trả lời đơn giản và phổ quát, nhưng nếu chúng ta có được khả năng đối thoại và lắng nghe người khác, thì đó đã là một bước tiến đáng kể rồi. Theo đó, các Tỉnh (Phụ Tỉnh) cần phải đưa vào chương trình đào tạo trường kỳ hàng năm và các cộng đoàn cũng phải làm điều tương tự như thế ở cấp địa phương nhằm nhấn mạnh đến những thách thức mà chúng ta đang phải đối diện.

13. Theo gương thánh Clêmentê, chúng ta phải đóng góp vào việc đào tạo các cộng tác viên giáo dân và các Hiến sĩ để họ có thể trở thành những nhà thừa sai trong chính môi trường họ đang sống. Họ có thể đóng góp vào việc đào tạo, bằng cả kỹ năng chuyên môn lẫn đời sống theo sát Tin Mừng của chính họ. Đặc sủng của chúng ta là một nguồn vô tận, nó là quà tặng của Chúa Thánh Thần trao cho chúng ta, vì vậy chúng ta phải chia sẻ quà tặng đó với giáo dân trong đời sống và sứ vụ, để cùng nhau tất cả chúng ta trở thành thân mình thừa sai nhằm làm rạng danh Đấng Cứu Thế trong thế giới hôm nay.

14. Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một số giá trị của việc đào tạo liên tục trong tư cách cá nhân, cộng đoàn và sứ vụ thừa sai:

a) Đào tạo liên tục giúp chúng ta thoát khỏi ảo tưởng toàn năng và toàn trí, nghĩ rằng chúng ta đã biết hết mọi sự và không cần học hỏi thêm nữa;

b) Nó mở rộng tầm nhìn của chúng ta về thế giới, để chúng ta không chỉ nhìn thế giới từ một nhãn quan duy nhất, nhưng đọc được những dấu chỉ thời đại và sẵn sàng đối thoại với những bối cảnh văn hóa hiện nay;

c) Nó giúp chúng ta trưởng thành và làm mới đặc sủng của Đấng sáng lập, để chúng ta có thể sống đặc sủng đó và chuyển trao cho các thế hệ mai sau chính kho tàng mà Chúa Thánh Thần đã ban cho Hội Dòng;

d) Nó giúp chúng ta hiểu và củng cố căn tính DCCT dựa trên mầu nhiệm Chúa Kitô Đấng Cứu Thế, Đấng nâng đỡ và nuôi dưỡng đời thánh hiến của chúng ta;

e) Nó giúp chúng ta có đức ái mục vụ đối với những người chúng ta phục vụ, những người xứng đáng được hưởng các tốt nhất từ những suy tư, từ việc dùng lối nói đơn giản, nhưng giàu chiều sâu tâm linh và thần học để đụng chạm và biến đổi con tim của họ.

f) Nó thúc đẩy chúng ta sáng tạo ra những phương pháp thi hành sứ vụ và việc sử dụng ngôn ngữ trong giảng dạy, dựa trên đặc sủng và linh đạo nhà Dòng.

Nguyện xin thánh Clement và Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ của Đức Khôn Ngoan, giúp chúng ta trở thành những môn đệ đích thực như là những thừa sai của hy vọng bước theo chân Chúa Cứu Thế.

Tình huynh đệ trong Chúa Kitô Đấng Cứu Thế,

Cha Rogério Gomes, C.Ss.R

Bề Trên Tổng Quyền