Trong tháng 5 kính Đức Mẹ giữa đại dịch, các tín hữu Công giáo Trung Quốc càng thể hiện lòng sùng kính Đức Mẹ, nét đặc trưng của tín hữu Trung Quốc, mãnh liệt hơn qua các sáng kiến “Phương pháp viếng thăm của Đức Maria”, mô hình hướng dẫn tất cả các tín hữu sống đức tin và lòng sùng kính Mẹ Maria trong tháng 5; “Năm gia đình”, được cảm hứng từ giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô để đồng hành với các gia đình trong thời gian khó khăn bởi đại dịch virus corona.

 

 

 Một nhà thờ ở Trung quốc  (©WaitforLight – stock.adobe.com)

 

“Đức Mẹ Thăm viếng”

Ngày đầu tháng 5, tại nhiều đền thánh dâng kính Đức Mẹ lên trời rải rác ở Trung Quốc, các tín hữu không thể hành hương kính viếng Đức Mẹ. Tuy nhiên họ không nản chí hay đầu hàng. Các cộng đoàn đã quyết định đón tiếp Đức Mẹ theo phương pháp “Thăm viếng”: các gia đình luân phiên đón Mẹ vào nhà mình để cầu nguyện trong từng nhóm nhỏ, cùng đọc kinh Mân Côi với những người lân cận, gia tăng kinh nghiệm đức tin qua tình yêu gia đình.

Tổng giáo phận Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, mời gọi các tín hữu cầu nguyện tại gia đình và nhấn mạnh rằng theo cách này “đại dịch không ngăn cản chúng ta thực hiện cuộc hành hương thiêng liêng đến đền thánh Đức Mẹ Kiện Sơn tại làng Hồ Trang, nơi kỷ niệm 125 năm xây dựng nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Lộ Đức.”

“Năm gia đình”

Ngày 30/04, giáo phận Bắc Kinh đã gửi thư mời gọi tất cả linh mục và tín hữu cổ võ một “Năm gia đình” đặc biệt, được cảm hứng từ thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tín hữu nhân dịp tháng 5 và từ Tông huấn Niềm vui Yêu thương về tình yêu gia đình.

Hiệp thông trong Giáo hội

Trong tháng này, Tổng giáo phận nhắc lại tầm quan trọng của việc gìn giữ sự hiệp thông Giáo hội trong các cộng đoàn riêng lẻ và với Giáo hội hoàn vũ, trong những thời điểm này khi các liên hệ vật lý trở nên phức tạp bởi các biện pháp cần thiết để chống lại sự lây lan của virus corona.

Trong thời gian này, người Công giáo từ Trung Quốc đã tham dự các Thánh lễ hàng ngày được Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại nhà nguyện thánh Marta, và các linh mục cũng sử dụng các công cụ kỹ thuật số như Wechat để phục vụ cộng đoàn của họ từ quan điểm mục vụ. (Agenzia Fides 07/05/2020)

Hồng Thủy – Vatican News