Cha mẹ càng tạo nhiều sự dễ dãi, tạo lối sống không nguyên tắc cha mẹ càng tạo thêm những khó khăn và tập tính tắc trách trong tương lai. Sửa dạy nhưng cha mẹ phải luôn luôn nói “không” với bạo lực trong gia đình. Vì thế, cha mẹ cần khéo léo để giúp trẻ nhận ra “kỷ luật” cần thiết để đào luyện “phẩm giá” con người, là “một kích thích để luôn đi xa hơn”, là “một giới hạn có tính xây dựng của cuộc hành trình” hơn là “một bức tường cản trở”, “một lối giáo dục kiềm chế”, một “sự huỷ hoại ước muốn”.

 

 

CỦNG CỐ VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI

  1. Củng cố nền tảng việc giáo dục

Dù cách công khai hay kín đáo, cha mẹ luôn có ảnh hưởng trên việc hình thành nhân cách của con cái, “về điều tốt cũng như điều xấu”. Do mang tính ảnh hưởng trực tiếp, bữa ăn chung mang giá trị giáo dục và giá trị sống nhiều hơn là chỉ lo lắng cho tương lai mà đánh mất hiện tại, ấn định thời gian chất lượng cho đối thoại và lắng nghe là một nhu cầu để sống và để làm triển nở tình yêu.[24]

Tình yêu là một trong những bí quyết quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái. “Sự phát triển tình cảm và đạo đức của một con người đòi hỏi một kinh nghiệm cơ bản: tin rằng cha mẹ của mình là đáng tin cậy. Đó là một trách nhiệm trong giáo dục: với tình thương và gương sáng cha mẹ tạo sự tin tưởng nơi con cái, truyền cho chúng một lòng kính trọng trong yêu thương”[25]. Tình yêu đó giúp cha mẹ dạy dỗ con cái nên người, giúp con cái thành công, là linh hồn của đời sống nhân bản, đạo đức, tâm lý và văn hóa. Tình yêu đó giúp con cái ổn định và an toàn. Linh mục Bruno Ferrero có một điều răn cho cha mẹ như sau: “Chính cha mẹ phải năng chăm sóc nhau nếu họ muốn chăm sóc con cái mình. Bổn phận đầu tiên của một người cha với con cái mình là yêu thương mẹ của chúng. Và ngược lại”.

Mỗi gia đình đều có lịch sử của riêng nó. Cha mẹ và con cái cần lưu ý về giá trị của lịch sử: Lịch sử là ông thầy dạy khôn, dạy xây dựng tương lai có ý nghĩa. Chuyện kể của ông bà rất tốt vì họ đặt trẻ em và người trẻ trong mối liên hệ với lịch sử của gia đình, thôn làng hay đất nước.

Có anh chị em, có họ hàng thân thuộc là môi trường quý báu để tạo tương quan huynh đệ, trường học lớn dạy sống tự do và hòa bình, học sống chung với nhau cuộc sống làm người. Việc chăm sóc, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau là một kinh nghiệm mạnh mẽ, tuyệt vời và độc đáo về tình huynh đệ trong gia đình có nhiều hơn một đứa con.

Trường học gia đình cần có những thực hành xây dựng tình tương thân tương ái: “Mỗi ngày gia đình phải sáng tạo những cách thức mới để gia tăng sự nhận biết lẫn nhau”[26].

Để con cái lớn khôn, có một ngôi nhà thắm tình thân ái, cảm thấy thoải mái, có bầu khí ấm cúng và mang trạng thái an bình là nhu cầu, là mơ ước hàng đầu trong các nhu cầu của mỗi người cha người mẹ, mỗi gia đình. Một ngôi nhà bình yên, với cả gia đình cùng đang ngồi quanh bàn tiệc, có ông bà, cha mẹ và con cháu là hồng ân và là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.

  1. Củng cố mục tiêu giáo dục

Đức Hồng y Jean-Louis Bruguès cho biết tự do đích thực là “khả năng con người được thật sự là mình và đạt tới sự sung mãn của mình”. Dự tính của mỗi người con hay mỗi con người xuất phát từ sự “trung tâm tự do”[27] ấy. Đó là một sự tự do có trách nhiệm trong bổn phận làm người. Sự tự do chỉ có nơi người trưởng thành, những người đã được huấn luyện lương tâm cách kỹ lưỡng.

Để có hành động tốt, một hành động đòi hỏi cố gắng và hy sinh từ bỏ, người ta cần “phán đoán đúng”, biết rõ điều phải làm, có động lực thúc đẩy ngay lành và biết rõ sự thiện có thể đạt được.[28] Những hành động xấu xa sẽ là nguyên nhân cho những hậu quả xấu xa. Người gây ra hậu quả xấu phải chịu trách nhiệm vì điều xấu đã gây ra cho người khác: “Điều quan trọng là kiên quyết dạy cho trẻ biết xin lỗi và sửa chữa những thiệt hại gây ra cho người khác”.[29]

Giáo dục giới tính là một công việc quan trọng. Để cho trẻ em và thanh thiếu niên biết sống cho một tình yêu cao thượng và quảng đại, cần phải có một nền giáo dục giới tính tích cực, khôn ngoan và tiệm tiến theo những tiến bộ của tâm lí học, sư phạm và giáo dục.[30]“Đức khiết tịnh là điều kiện quý báu cho sự tăng trưởng đích thật của tình yêu liên vị”[31], “đức khiết tịnh trong bậc sống của mỗi người là có thể thực hiện được và nó chính là nhân tố đem lại niềm vui”[32]. “Giáo dục giới tính cung cấp thông tin, nhưng thông tin phải đến đúng thời điểm theo cách thức phù hợp với lứa tuổi. Sẽ không ích lợi nếu thông tin đó chỉ làm biến dạng khả năng yêu thương của chúng… Nền giáo dục giới tính canh giữ sự e thẹn lành mạnh có một giá trị lớn lao”.[33]

  1. Củng cố đường hướng giáo dục

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh việc cha mẹ phải có định hướng cho cuộc đời của con cái. Giáo dục con cái là công việc của tình thương, nhưng đó là một loại tình thương có định hướng “giúp trưởng thành sự tự do”, “triển nở toàn diện”, có “sự tự lập đích thật” cho người con. “Những xác tín, mục tiêu, ước muốn, dự tính cuộc đời” của người con là điều mà cha mẹ có bổn phận quan tâm.[34]

Thanh thiếu niên thường xa lạ với việc quản lý thời gian và lên kế hoạch cho tương lai, vì thế tạo cho con cái một kế hoạch hay một mục tiêu cần vươn tới là bổn phận hướng nghiệp của cha mẹ. Kế hoạch cho tương lai sẽ là công cụ để con cái có thể tác động tới những biến cố xảy ra trong cuộc đời theo ý muốn, sẽ giảm thiểu những điều bất lợi.

Thói quen là một hoạt động tự động trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Thói quen tốt và mang tính trung dung giúp con người tập trung tinh thần để làm những công việc cần thiết khác. Chính phẩm giá tự do nội tâm và trách nhiệm nên thánh đòi buộc người Kitô hữu phải có trách nhiệm trên thói quen của mình. Những tập quán nhân đức mà cha mẹ và con cái chuyển hóa thành nguyên tắc hành động thuộc nội tâm và bền vững sẽ gia tăng phẩm giá cho họ.[35]

Phạm lỗi là chuyện thường tình của con trẻ do sự bồng bột của tuổi thơ nhiều hơn là do cố ý. Tuy nhiên, không ít cha mẹ tỏ ra lúng túng trước lầm lỗi của con. Yêu con đến mức không sửa dạy những lỗi lầm dù rất nhỏ thì cũng không phải là yêu thương đích thực. Cha mẹ sửa lỗi làm sao để con cái cảm thấy chúng vẫn được quan tâm, yêu mến, tin tưởng và được đánh giá cao về những nỗ lực, tiềm năng và khả năng hướng thiện của chúng, để giải toả cảm tưởng bị đè nặng phải phục tùng ý muốn thống trị của người khác. Không sửa dạy những khiếm khuyết ngay khi còn thơ ấu của con cái, cha mẹ chỉ tạo thêm nhiều khó khăn không chỉ tương lai của con cái mà còn cho cả chính mình. Càng tạo nhiều sự dễ dãi, tạo lối sống không nguyên tắc cha mẹ càng tạo thêm những khó khăn và tập tính tắc trách trong tương lai. Sửa dạy nhưng cha mẹ phải luôn luôn nói “không” với bạo lực trong gia đình. Vì thế, cha mẹ cần khéo léo để giúp trẻ nhận ra “kỷ luật” cần thiết để đào luyện “phẩm giá” con người, là “một kích thích để luôn đi xa hơn”, là “một giới hạn có tính xây dựng của cuộc hành trình” hơn là “một bức tường cản trở”, “một lối giáo dục kiềm chế”, một “sự huỷ hoại ước muốn”.[36]

Một nguyên tắc mang tính sư phạm được phát biểu như sau: Giáo dục đạo đức phải tuân theo quy luật trong giới hạn và quy luật tiệm tiến: “Giáo dục đạo đức bao hàm việc chỉ đòi hỏi một đứa bé hay một người trẻ chỉ những điều đối với chúng không là một hi sinh quá mức chịu đựng, và chỉ đòi hỏi trong mức độ chúng phải nỗ lực mà không gây phẫn uất hoặc cảm thấy bị cưỡng bức. Hành trình thông thường là đề ra những bước nhỏ có thể được hiểu, được chấp nhận và được trân trọng, và bao gồm một sự từ bỏ hợp lí. Ngược lại, nếu đòi hỏi quá nhiều, thì sẽ không được điều gì cả. Con người ta ngay khi có thể được giải thoát khỏi quyền bính, có thể sẽ thôi không còn làm điều tốt nữa”.[37]

Trong đời sống gia đình không thể để bao trùm lối nghĩ thống trị lẫn nhau và sự cạnh tranh để xem ai là người thông minh hơn hay quyền lực hơn, vì như thế sẽ làm hủy diệt tình yêu. Lời khuyên cho gia đình sau đây cũng thật đáng giá: “Tất cả anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5).[38]

Cha mẹ có vai trò quyết định trong việc sống và truyền đạt khả năng chờ đợi trên con cái: “Giáo dục khả năng biết chờ đợi, biết trì hoãn không phải là khước từ ước muốn, nhưng là làm chậm lại sự thỏa mãn của mình”. Khả năng này đòi hỏi con người phải có “tinh thần hy sinh, một điều mà không có nó không một tình yêu nào có thể đứng vững dài lâu”, “quý mến và thực hành sự tự chủ và sự kiềm chế”, “vun xới thái độ nhẫn nhục”, “biết trì hoãn một số điều và học biết chờ đợi cho tới thời điểm phù hợp”, có “sự nhạy cảm với bệnh tật của con người”, “có chương trình giáo dục cảm xúc và bản năng”. “Khi trẻ em hoặc thanh thiếu niên không được giáo dục để chấp nhận rằng có những điều phải chờ đợi, chúng sẽ trở thành những kẻ kiêu căng độc tài, bắt mọi sự phục tùng để thỏa mãn nhu cầu trước mắt của chúng và chúng lớn lên cùng với thói hư muốn có “tất cả ngay lập tức” . Đó là một sự lừa dối kinh khủng vốn không giúp cho tự do triển nở, mà còn làm hại tự do”.[39]

Tóm lại, “nghề làm người” đòi hỏi phải có những nguyên tắc. Củng cố việc giáo dục con cái cũng chính là củng cố tình yêu giữa cha và mẹ. Việc giáo dục ở đây có phương pháp dựa trên tình yêu và trách nhiệm, có sự hỗ trợ của các môn khoa học nhân văn cũng như sự trợ giúp của Giáo Hội. Mức độ ý thức, hiểu biết, nhiệt tình, hợp lý và thích đáng trong việc giáo dục sẽ đo lường sự thành công của cha mẹ trong nhiệm vụ khó khăn và quan trọng này. Một nguyên tắc chủ đạo cho các cha mẹ Kitô hữu là có Chúa Giêsu trong cuộc sống gia đình mình. Như lời Người đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Lm. Giuse Đinh Quang Vinh và
Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Thiện, OP.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 105

————————————————————

[24] X. AL các số 259, 50, 136.

[25] AL số 263.

[26] AL số 276.

[27] AL 262.

[28] AL 265, x. SGLC 1806.

[29] AL 268.

[30] x. AL 280 – 286.

[31] AL 206.

[32] Sự thật và ý nghĩa về tính dục con người, số 73.

[33] AL 281-182.

[34] AL 261.

[35] x. GS 17; AL 267, 266.

[36] x. AL các số 104, 269, 270.

[37] x. AL các số 269, 270.

[38] AL số 98.

[39] x. AL các số 275, 92, 277, 148.